Tại sao trẻ bị bạo hành nhưng lại không nói với người lớn?
PhunuOnline.net – Xấu hổ, sợ bị trả thù, sợ người lớn không tin là một trong số những lí do mà nạn nhân của bạo lực học đường không lên tiếng.
Khi trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường. Trẻ phải chịu nhiều vết thương tâm lý, bao gồm bị sỉ nhục và cô lập. Cảm giác đơn độc ngày càng rõ rệt bởi trẻ thường không nói cho bất kỳ ai những chuyện đang xảy ra.
Đa số trẻ sợ hãi khi bị bắt nạt lần đầu và không biết cách xử lý tình huống. Lý do giữ im lặng rất đa dạng, tùy thuộc vào tính cách và hoàn cảnh của từng nạn nhân. Dưới đây là một số lý do phổ biến.
Xấu hổ
Bản chất của bắt nạt là phô trương sức mạnh và khả năng kiểm soát. Khiến nạn nhân thấy bất lực hoặc yếu đuối. Đối với nhiều đứa trẻ, chúng không muốn thừa nhận cảm giác này.
Ngoài ra, nếu bị bắt nạt vì một thứ gì đó mà trẻ vốn nhạy cảm như đặc điểm ngoại hình, trẻ sẽ rất xấu hổ khi nói về nó. Ý tưởng nhấn mạnh về “khiếm khuyết” của mình khi kể lại chuyện với người lớn khiến một số trẻ cảm thấy tồi tệ hơn cả bị bắt nạt.
Sợ bị trả thù
Thông thường, trẻ nghĩ rằng báo cáo về việc bị bắt nạt sẽ không làm mọi chuyện tốt lên. Thay vào đó, kẻ bắt nạt có thể khiến cuộc sống của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, trẻ thà cố gắng chống chọi một mình. Thậm chí, một số em còn tin rằng nếu tiếp tục giữ im lặng, việc bị bắt nạt sẽ có ngày chấm dứt.
Muốn hòa nhập với nhóm bắt nạt
Nhiều trẻ chấp nhận việc bị bắt nạt thường xuyên vì muốn “lấy lòng” những kẻ bắt nạt. Các em xem bắt nạt là một cách để duy trì vị thế trong nhóm, mong được các bạn chấp nhận. Tâm lý này vô tình dung túng cho hành vi xấu tiếp diễn.
Lo không ai tin tưởng
Nạn nhân của bắt nạt học đường thường là những đứa trẻ cô đơn, nhút nhát. Có nhu cầu đặc biệt hoặc có thể thường gặp rắc rối với vấn đề kỉ luật. Những trẻ này sợ người khác cho rằng mình đang bịa chuyện nếu báo cáo về việc bị bắt nạt. Kết quả là các em không thể mở lòng và tiếp tục giữ im lặng.
Nghĩ rằng người lớn muốn trẻ tự giải quyết
Nhiều người lớn kỳ vọng trẻ phải cứng rắn trong các tình huống khó khăn. Do đó vô tình gây áp lực, khiến trẻ muốn giấu những chuyện không thể tự giải quyết. Sợ người lớn không hài lòng hoặc tức giận. Ngoài ra, nhiều trường quá tập trung vào mục tiêu nâng cao thành tích học tập. Không quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ hoặc khuyến khích trẻ tự xử lý mọi vấn đề. Điều này có thể gây ra nhiều rắc rối nếu trẻ phải đối mặt với các tình huống tiềm ẩn bạo lực.
Biết được lý do trẻ hiếm khi kể chuyện bị bắt nạt, phụ huynh cần nhạy cảm với các dấu hiệu cảnh báo. Nếu trẻ thú nhận là nạn nhân của bắt nạt học đường, bạn hãy nói rằng bố mẹ tự hào vì con đã can đảm nói ra điều đó. Điều này khuyến khích trẻ đối thoại cởi mở vì luôn được bố mẹ lắng nghe và tin tưởng.
Ngoài ra, bạn hãy kiểm soát cảm xúc của chính mình. Nếu bạn tỏ ra quá xúc động hay giận dữ, trẻ sẽ trở nên căng thẳng. Thay vào đó, bạn nên bình tĩnh thảo luận và lên kế hoạch giải quyết cùng trẻ, giúp trẻ vượt qua cảm xúc tiêu cực.
Hồng Minh
Tổng hợp
Xem thêm:
Hôn nhân hạnh phúc không đơn thuần chỉ là tình yêu
Lý do chỉ là cái cớ, đơn giản là hết yêu thôi
Sau 12 năm ngồi tù, tên ấu dâm đời thực trong phim ‘Hope’ không có dấu hiệu hối cải