Công thức 5 món kẹo truyền thống Việt Nam ngon xuýt xoa khiến ai cũng phải xin muốn vé về tuổi thơ

Phunuduongthoi.vn – Hội chị em hảo ngọt và thích các loại kẹo thì không thể bỏ qua các món kẹo truyền thống của Việt Nam đâu nhé! Cùng thử sức tự làm các loại kẹo của tuổi thơ này xem sao.

Chuẩn bị nguyên liệu
  • Kẹo kéo đường – Kẹo dồi: Đường cát trắng, đậu phộng rang, nước, nước cốt chanh, dầu chuối
  • Kẹo cà: Đường cát trắng, đậu phộng rang, nước, nước cốt chanh, dầu chuối
  • Kẹo gương: Đường cát trắng, mè trắng, mạch nha, đậu phộng rang, nước cốt chanh
  • Kẹo dừa: Nước ốt dừa, đường, mạch nha, lá dứa
  • Kẹo mạch nha: Thóc, nếp
Kẹo kéo đường – Kẹo dồi

Nguyên liệu

200g đường cát trắng, 80g đậu phộng rang, 120ml nước, 1 thìa cà phê nước cốt chanh, 1 xíu dầu chuối (nếu có sẽ thơm, không cũng không sao).

Cách làm

Nấu nước với đường ở lửa vừa. Đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ cho đường sôi liu riu thật nhỏ (dùng số 2/10 bếp từ để đường không chuyển màu vàng), đậy nắp. Đợi đường keo lại, không cần khuấy. Sau 30 phút, bắt đầu thử đường. Cho đường vào chén nước, nếu đường đọng lại thành hạt cứng là đạt, nếu hạt còn mềm thì tiếp tục đun và thử lại sau mỗi phút. 

Cho nước cốt chanh vào, khuấy đều. Cho đường ra mâm/ giấy nến/ silicon chịu nhiệt đã thoa dầu ăn, nhồi lại cho đường thành 1 khối. 

Đeo găng vải bên trong, bọc găng nilon bên ngoài, gập và kéo đường đến lúc đường trắng, bóng. Thêm dầu chuối vào lúc kéo. 

Dàn mỏng kẹo, cho đậu phộng vào giữa và gói lại, đóng chặt mới đẹp. Bắt đầu kéo ra và ăn thôi.

Kẹo cà

Cách làm

Đơn giản là các bạn chỉ cần cắt kẹo kéo ra thành khúc ngắn, trộn cùng với bột rang chín. Có thể dùng bột mì/ bột nếp/ bột bắp hay bất cứ loại bột gì bạn có, rang chín lên và trộn vào kẹo. 

Kẹo này tùy vùng khác nhau còn được gọi là kẹo ú, kẹo bột. Kẹo có thể có đậu phộng hoặc không các chị em nhé!

Kẹo kéo mạch nha

Cách làm

Ngày 1 (ngâm hạt): Rửa sạch thóc, vớt hạt lép nổi trên mặt nước. Ngâm thóc với nước (tỉ lệ nước gấp 3 lần thóc) trong 24 tiếng. Mỗi 6 tiếng rửa nhớt, thay nước mới cho thóc 1 lần (tổng rửa 3 lần). 

Ngày 2 (ủ hạt): Sau 24 tiếng, rải thóc ra một cái rổ, đặt rổ trong thau, lấy khăn tối màu đậy lại, ủ thóc 1 ngày.

Ngày 3 (ủ hạt): Sau 1 ngày, nhúng rổ vào nước tầm 1 phút hoặc tưới nước để cấp ẩm cho thóc, nhấc rổ lên cho ráo, để vào thau, đậy khăn tối, ủ tiếp 1 ngày nữa. Sau 2 ngày ủ, hạt thóc bắt đầu nảy mầm. 

Ngày 4 – ngày 9 (ủ mầm): Mang thóc đã nảy mầm, dàn đều ra khay nhựa có thành cao. Phủ khăn tối để mầm thóc tiếp tục phát triển trong 5 – 6 ngày. Mỗi ngày vẩy nước hoặc dùng bình phun nước đều mặt thóc sáng 1 lần, tối 1 lần. Đến khi mầm thóc cao 5 – 7cm, có màu vàng (tránh ánh sáng thì mầm có màu vàng, nếu để lọt sáng vào sẽ thành màu xanh, làm mạch nha dùng mầm vàng nhé). Không vẩy quá nhiều nước, nếu nghiêng khay kiểm tra, thấy nước còn đọng trong khay thì không tưới thêm. 

Đem mầm xé tơi nhỏ, dàn đều mâm, đem phơi nắng cho khô trong 2 – 3 ngày. Lấy 50g mầm thóc khô, giã nhỏ. Vo sạch và nấu 500g nếp với 0,5 lít nước. Cơm chín, cho sang nồi sạch để ủ, không lấy phần cơm cháy. Cho vào nồi thêm 0,5 lít nước sôi, chia làm 2 lần, trộn đều.

Cho mầm thóc giã nhỏ, trộn đều, dàn phẳng mặt nếp. Đem ủ trong chăn kín/ nồi ủ/ thùng xốp/ nồi cơm điện trong 13 – 15 tiếng. Nhiệt độ ủ trung bình là 60 độ C. Sau khi ủ, lấy từng phần hỗn hợp vắt trong khăn sạch để lấy nước. 

Lược nước qua rây lỗ nhỏ để loại bỏ tạp chất. Cho nước lên bếp đun sôi, nước sôi thì hạ lửa vừa. Vớt bọt liên tục. Đun khoảng 1h, thấy hơi nước không còn bốc lên, khuấy nhẹ thấy hỗn hợp bắt đầu sánh dẻo. Tiếp tục đun lửa nhỏ thêm khoảng 1 giờ nữa để mạch nha đạt được độ sánh dẻo mong muốn. 

Dùng chén nước và nhỏ giọt vào để thử mạch nha, nếu giọt mạch nha đọng lại, không tan ra thì đã đạt, không cần đun thêm. Để nguội, bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng được lâu hơn.

Làm kẹo kéo: Dùng đũa kéo và xoắn liên tục để mạch nha chuyển sang màu trắng, bóng và mềm, dẻo hơn. Thưởng thức cùng bánh tráng, dừa sợi, đậu phộng.

Kẹo gương

Nguyên liệu

200g đường cát trắng, 20g mè trắng rang vàng, 20g mạch nha, 20g đậu phộng rang, 12ml nước, 6ml nước cốt chanh.

Cách làm

Đun sôi đường, mạch nha, nướng đến khi ngả vàng. Tắt bếp, vắt nước cốt chanh, cho đậu phộng vào đảo đều.

Rắc mè lên bề mặt giấy nến. Đổ hỗn hợp đường lên lớp mè, dàn đều thành lớp đường mỏng. Để nguội, bẻ thành miếng nhỏ, thưởng thức.

Kẹo dừa

Nguyên liệu

220ml cốt dừa, 40g đường, 40g mạch nha, 10ml tinh chất lá dứa lắng từ lá dứa xay với nước.

Cách làm

Đun sôi hỗn hợp nước cốt dừa, đường, mạch nha với lửa vừa. Hạ lửa liu riu, khuấy đều liên tục trong khoảng 45 – 60 phút đến khi cô đặc.

Đổ một nửa hỗn hợp ra giấy nến/ khay kim loại/ silicon chịu nhiệt đã bôi dầu chống dính (tốt nhất là dầu dừa), để nguội 20 phút. Một nửa còn lại tiếp tục cho thêm 10ml tinh chất lá dứa (lá dứa xay với nước, để tủ lạnh 1 ngày cho lắng, bỏ phần nước, lấy phần tinh chất lắng dưới đáy). Tiếp tục đảo kẹo cho cô đặc như một nửa trước đó. Đổ hỗn hợp lá dứa ra khay, để nguội 20 phút. 

Cho kẹo vào khuôn vuông cỡ 15 x 7cm, lớp màu vàng nâu bên dưới, lớp màu xanh bên trên. Dùng dao bén thoa dầu hoặc bọc màng thực phẩm, cắt kẹo dọc theo chiều dài, bề dày 0,7cm. Lật cho thanh kẹo nằm ngang ngay sau khi cắt. Tiếp tục cắt thanh kẹo thành viên, chiều dài khoảng 3cm. Bọc kẹo trong giấy nến hoặc nylon.

Theo Nhịp Sống Việt

Xem thêm:

Nên đọc