Bác sĩ da liễu tiết lộ thời điểm và thời gian tắm tốt nhất cho da, 4 việc khi tắm tưởng tốt hóa hại
Phunuduongthoi.vn – Sẽ có không ít người bất ngờ khi biết rằng tắm quá kỹ hay tắm nhiều lần mỗi ngày hóa ra không tốt cho da mà còn hại sức khỏe.
“Một việc đơn giản như tắm rửa hàng ngày hóa ra cũng có nhiều lưu ý. Bởi vì ngoài làn da, sức khỏe tổng thể của chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí một số sai lầm khi tắm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đột quỵ” – bác sĩ da liễu Emma Amoafo-Mensah (Anh) chia sẻ.
Thời gian và thời điểm tắm tốt nhất cho làn da
Emma Amoafo-Mensah cho rằng hầu hết mọi người đều tắm rửa theo nhu cầu, sở thích, thói quen mà ít quan tâm thế nào là đúng hay sai. Dưới góc độ của chuyên gia da liễu, bà đã chỉ ra thời điểm và khoảng thời gian tắm tốt nhất cho làn da của chúng ta.
Tắm quá lâu gây hại cho làn da và sức khỏe tổng thể, ngay cả ngâm bồn cũng không nên tắm quá 30 phút (Ảnh minh họa) |
Bà dẫn một nghiên cứu mới nhất của nhãn hiệu Dove tại Anh cho thấy 9 trong số 10 người Anh bị khô da và 85% đổ lỗi cho việc tắm rửa là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong số đó, tắm quá lâu bị cho là đứng đầu trong nguyên nhân gây khô da, kích ứng da và các vấn đề khác về da. Đặc biệt là nếu bạn thường xuyên tắm bằng nước ấm.
“Tắm lâu, nhất là trong nước nóng có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da. Nếu không có những chất này, nước sẽ bốc hơi nhanh hơn trong một quá trình được gọi là mất nước qua biểu bì (TEWL) có thể dẫn đến cảm giác căng và khô. Tắm vòi sen hoặc tắm bồn lâu càng đẩy nhanh quá trình này. Đương nhiên, với những người có tổng thời gian tắm lâu do kết hợp sử dụng chất tẩy tế bào chết hoặc sản phẩm làm sạch có tính mài mòn thì da càng dễ khô, kích ứng và lão hóa nhanh” – Emma Amoafo-Mensah giải thích.
Theo bà, khoảng thời gian tắm tốt nhất cho làn da là không nên quá 30 phút. Nếu phải chọn mức thời chính xác hơn, con số sẽ là trên 3 phút và dưới 10 phút với nước ấm. Còn với nước thường, hãy tắm trong khoảng trên 5 phút và dưới 15 phút. Lưu ý, nước ấm chỉ nên ở nhiệt độ dưới 45 độ C. Một số người tắm nước lạnh, thậm chí là tắm nước đá để trị liệu hay mục đích khác thì cũng chỉ nên tắm trong 3 – 5 phút.
Về thời điểm tắm trong ngày tốt nhất cho da, Emma Amoafo-Mensah nói: “Bạn có thể tắm 1 tới 2 lần mỗi ngày tùy vào thời tiết và mức độ đổ mồ hôi của bản thân. Thường mọi người sẽ chọn tắm buổi sáng hoặc tắm buổi tối. Nếu xét trên góc độ da liễu, tắm buổi tối được cho là tốt hơn cho làn da. Đặc biệt là với những người bị bệnh về da hoặc dễ dị ứng”.
Bà giải thích tắm buổi tối giúp loại bỏ bụi bẩn, da chết tích tụ sau một ngày dài. Mặc dù tắm buổi sáng cũng được nhiều người cho rằng làm sạch bụi bẩn, mồ hôi cơ thể tiết ra trong đêm nhưng nếu bạn bỏ qua tắm tối và đi ngủ với làn da bẩn để tắm vào sáng hôm sau thì điều này không tốt.
Tắm tối cũng phù hợp hơn với đồng hồ sinh học để tốt cho da, đảm bảo quá trình thải độc, bài tiết qua da hay giữ ẩm, giúp việc bôi kem dưỡng da ban đêm hiệu quả hơn. Thời gian tắm tốt nhất cho da là khoảng 20 – 21 giờ, không nên tắm sau 23 giờ.
4 việc khi tắm tưởng tốt hóa hại
Bên cạnh tắm quá lâu, các chuyên gia về da liễu và sức khỏe cũng đưa ra một số hành vi khi tắm tưởng tốt hóa hại nhưng nhiều người mắc phải. Phổ biến như:
Tắm sai thời điểm
Tiến sĩ Ross Perry, giám đốc y khoa của Phòng khám Da liễu Cosmedics (Anh) nhấn mạnh chọn sai thời điểm tắm có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong. “Tắm rửa là một việc đơn giản nhưng bạn không nên tắm quá khuya, nhất là sau 23 giờ. Nhiều người cho rằng việc này giúp làm sạch cao hơn vì sau đó sẽ đi ngủ ngay, hoặc tốt cho giấc ngủ nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, còn gây nguy cơ đột quỵ” – ông nói.
Bên cạnh đó, có một số thời điểm không nên vội vã đi tắm như: ngay sau khi đi ngoài nắng về hoặc đang đổ mồ hôi, cơ thể mệt mỏi, ngay sau khi vận động mạnh, khi ăn no. Mặc dù có vẻ sảng khoái nhưng chúng không tốt cho sức khỏe chút nào.
Tắm quá kỹ
Nói về tắm quá kỹ, nghĩa là bao gồm cả thời gian tắm và mức độ làm sạch cơ thể khi tắm rửa. Như Emma Amoafo-Mensah đã nói, thời gian tắm dù ngâm bồn cũng không nên quá 30 phút. Điều này gây khô da, tăng nguy cơ mắc các bệnh nam khoa và phụ khoa. Còn kỳ cọ quá mạnh có thể khiến da bị tổn thương, dẫn đến lớp sừng trên da dày hoặc mỏng, rất dễ gây ra các bệnh ngoài da.
Bên cạnh đó, tắm quá lâu có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan. Từ đó dễ gây ra cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí còn có thể gây tử vong.
Tắm với nước quá nóng
“Mặc dù tắm nước nóng được chứng minh là tốt cho sức khỏe nhưng hại da không phải là tác hại duy nhất mà tắm nước quá nóng mang đến cho bạn” – Emma Amoafo-Mensah nhắc nhở.
Nhiệt độ nước tắm tốt nhất được chuyên gia khuyến nghị là từ 32 – 40 độ C. Không nên tắm nước trên 45 độ C, trừ trường hợp đang trị liệu theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn.
Không nên tắm khuya, nhất là sau 23 giờ ngay cả với nước nóng (Ảnh minh họa) |
Nước nóng dễ làm bỏng da, dẫn đến việc mất cân bằng độ ẩm khiến da trở nên khô hơn, kích ứng da. Ngoài ra, nếu bạn tắm nước quá nóng trong phòng tắm kín thì cơ thể dễ rơi vào tình trạng thiếu oxy, đây là lý do tại sao một số bạn đang tắm lại cảm giác chóng mặt, tức ngực, thậm chí muốn ngã. Tắm nước quá nóng cũng gây áp lực cho tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ do huyết áp tăng cao, mạch máu giãn quá mức.
Tắm quá nhiều lần trong ngày
Nhiều người cho rằng tắm nhiều lần càng tăng hiệu quả làm sạch, sảng khoái nhất là vào mùa hè nóng nực. Tuy nhiên Tiến sĩ Ross Perry nhấn mạnh đây là quan điểm sai lầm. Ông nói: “Sạch sẽ quá mức, tắm quá nhiều lần lại gây phản tác dụng, ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe con người, thậm chí gây ung thư. Tác hại về da có thể kể đến như gây khô da, ngứa và tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu thâm nhập qua vùng da nứt nẻ. Chỉ nên tắm 1 tới 2 lần mỗi ngày”.
Nghiên cứu của trường Đại học Asahi (Mexico, Mỹ) chỉ ra việc tắm rửa quá thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da. Cụ thể, việc tắm nhiều lần khiến da phải chịu nhiều lực tác động khi kỳ cọ, dễ tổn thương, phải tiếp xúc nhiều lần hơn với các hóa chất tẩy rửa, chất hóa học có trong sữa tắm, xà bông hay các loại hóa mỹ phẩm khác.
Theo Phụ nữ Mới
Xem thêm: