Điểm nhanh các đặc sản vùng miền nức tiếng giá bình dân cho chị em bày mâm cỗ Tết

Phunuduongthoi.vn – Với giá thành bình dân nhưng đượm hương vị truyền thống thì những đặc sản vùng miền này sẽ là lựa chọn hợp lý vừa bày được lại có thể làm quà cho các gia đình trong dịp lễ Tết cổ truyền.

Ẩm thực Việt Nam vẫn nổi tiếng là đa dạng và khiến bạn bè quốc tế phải ngưỡng mộ. Những món ăn đặc sản của các vùng đất trên bản đồ Việt Nam đã làm nao lòng những người con xa quê và cả những vị khách lần đầu đến. Để rồi mỗi khi đi xa hay những lần ghé thăm, đều muốn mang hương vị đặc biệt này làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, bạn và gia đình có thể đặt mua các loại đặc sản vùng miền để bày trong mâm cỗ hoặc biếu bạn bè, người thân thì quá là hợp lý.

Hồng sấy Đà Lạt

Không giống hồng tươi, hồng sấy khô có hương thơm đặc biệt, vị ngọt đậm của mật hồng khi sấy bị cô lại làm miếng hồng dai hơn, khiến cho người ăn một lần có thể nhớ mãi. Hồng sấy khô Đà Lạt không tẩm bất cứ loại hóa chất nào mà vẫn giữ được hương vị thơm, ngọt của quả hồng. Do đó, đây là một sản phẩm rất an toàn có thể sử dụng trong 1 năm.

Bánh chè lam Đường Lâm, Sơn Tây

Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Với thành phần chính là tinh bột nếp cái hoa vàng, đường kính trắng, mạch nha, gừng, vừng và các hương liệu gia truyền đặc biệt khác, bánh chè lam sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm thú vị với những ẩm thực quê hương.

Cafe Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Khi nhắc đến vùng đất trồng cà phê ở nước ta không thể không nhắc tới Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với vựa cà phê Robusta đứng đầu thế giới.

Cà phê đặc sản của Đắk Lắk có hương vị riêng vì được thu hái phải với độ chín đạt 100%, hái đúng thời điểm khi hạt chín vừa phải. Đây cũng là sản phẩm vô cùng hợp lý dành cho các gia đình ngày Tết hoặc làm quà biếu cho bạn bè và đồng nghiệp, đối tác.

Trà sen Hà Nội

Tết đến cùng ngồi nhâm nhi với gia đình ấm trà sen, ăn bánh và trò chuyện thì còn gì tuyệt vời bằng. Trà sen là đặc sản nổi tiếng của người dân đất kinh kỳ, được chế biến rất cầu kì.

Chính vì thế nên khi thưởng thức trà du khách sẽ cảm nhận được cái tinh hoa, đậm đà lan tỏa trong miệng.

Bánh Pía sầu riêng Sóc Trăng

Bánh hình tròn, dẹp, mặt trên có đóng mộc đỏ, tiếp theo là một lớp bột vàng tươi làm từ bột mì, đây cũng chính là lớp vỏ bánh. Nhân bên trong gồm nhiều nguyên liệu như đường cát, đậu xanh hoặc khoai môn, mứt, mỡ heo, sầu riêng, trứng muối… Bánh mềm, không quá ngọt.

Nếu bạn là tín đồ của loại quả với mùi hương đặc trưng này thì đừng nên bỏ qua món bánh Pía sầu riêng Sóc Trăng làm quà tặng cho nhau ngày Tết.

Bánh chưng Tranh Khúc, Hà Nội

Nếu bạn có người thân ở xa như Sài Gòn không về được Hà Nội vào dịp Tết thì việc chọn bánh chưng Tranh Khúc làm quà cho Sài Gòn thì người thân của bạn sẽ thích thú lắm đó.

Người trong miền Nam thường ăn bánh Tét thay cho bánh chưng vào dịp Tết nên một chút đổi mới sẽ tạo nên nhiều khác biệt cho những ngày nắng xuân phương Nam đó.

Hạt điều Bình Phước

Việt Nam nổi tiếng là một trong các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới trong đó có hạt điều.

Hạt điều không chỉ để ăn “chơi”, ăn vặt mà còn ăn để khỏe. Vậy còn chờ gì mà không tặng cho bạn bè, người thân món hạt điều Bình Phước trong dịp Tết này như một lời chúc mạnh khỏe và hạnh phúc.

Bánh phồng sữa Bến Tre

Nhìn qua có vẻ giống bánh đa, bánh tráng nhưng bánh phồng sữa Bến Tre không lẫn được đâu. Bánh làm từ bột gạo nếp, nước cốt dừa trộn với nhau rồi đem cán bột, phơi nắng.

Thưởng thức bánh phồng sữa bằng cách nướng lên hoặc chiên dầu. Bánh thơm mùi dừa, ngọt mà không ngấy. Ai ăn rồi sẽ nhớ mãi hương vị không quên.

Giò chả Ước Lễ, Hà Nội

Giò lụa Ước Lễ được làm từ thịt lợn ỉ loại nhỏ từ 35 tới 40 ký. Thịt được lọc, giã rất nhanh bằng chày gỗ nặng tới 6 tới 9 ký/đôi. Tiếp tục chêm mắm loại ngon rồi bó giò bằng loại lá chuối tây đã nhúng nước sôi kỹ.

Thả cây giò sống vừa làm ấy vào nước sôi, luộc trong 55 phút cho tới khi giò nở căng, vỗ nghe tiếng là giò chín đều. Lúc ấy là lúc cây giò ngon được ra đời.

Đường thốt nốt An Giang

Đường thốt nốt được người dân An Giang nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông cây thốt nốt. Mỗi cây thốt nốt chỉ có khoảng 2 – 3 bông cho nước tốt.

Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng. Đường có thể được dùng trong việc làm bánh, pha chè,… trong ngày Tết.

Nước mắm Phú Yên

Đây là loại nước mắm đặc sản, được sản xuất theo phương pháp truyền thống, từ cá cơm tươi và muối tinh, ủ trong thùng, lên men hoàn toàn tự nhiên.

Sau 18-24 tháng, được rút nỏ cho ra nước mắm màu đỏ nâu cánh gián, thơm lừng, đậm đà vị béo, hậu vị sâu, thực sự tự nhiên và an toàn. Ngày Tết, các món nấu hay chấm với nước mắm Phú Yên thì còn gì bằng được.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem thêm:

Nên đọc