Hội chị em cắt giảm được 50% tiền mua sắm mỗi tháng nhờ phương pháp “tiêu cho nhau xem”
Phunuduongthoi.vn – Tình bạn của hội chị em này thật là “healthy” quá đi!
“Đồng bạn đồng bè, đồng nào cũng hết” là câu nói miêu tả đúng nhất tình hình tài chính của hội bạn thân gồm 3 cô nàng sinh năm 2000: Minh Anh, Thu Anh và An Khanh.
Cảm thấy việc tự kiểm soát chi tiêu không mấy hiệu quả vì bản thân dễ “xiêu lòng” trước muôn vàn món đồ đẹp xinh đang mời gọi, nhóm bạn thân này quyết định “thay đổi chiến thuật”: Lập “hội đồng phát xét” từng khoản chi của nhau bằng một file Excel quản lý chi tiêu chung.
File quản lý chi tiêu chung của Minh Anh, Thu Anh và An Khanh. Minh Anh cho biết hàng ngang “>300” chính là số lượng những ngày mà từng người tiêu quá 300.000đ – Khoản chi tối đa cho một ngày mà cả 3 đã thống nhất (Ảnh: NVCC) |
Trên trang TikTok cá nhân, Minh Anh đã chia sẻ một video ghi lại khoảnh khắc “chỉ trích” người bạn thân về những khoản chi không có điểm nào hợp lý. Hiện video này đã có hơn 400k lượt xem. Trong phần bình luận, phần lớn mọi người đều cho rằng cách làm của hội bạn này là rất đáng học hỏi.
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Minh Anh, để xem sau khi “lập hội đồng phán xét”, tình hình tài chính của 3 cô bạn này đã thay đổi ra sao.
“Ước tính giảm được 50% tiền chi tiêu trong 1 tháng”
Minh Anh gặp Thu Anh và An Khanh từ thời còn học Đại học. Cùng nhau dung dăng dung dẻ qua quãng đời sinh viên đến khi tốt nghiệp và tham gia vào thị trường lao động, 3 cô bạn này đã hiểu quá rõ tính cách cũng như thói quen chi tiêu, mua sắm của nhau.
Nhóm bạn thân này quyết định lập file quản lý chi tiêu chung vào ngày 18/12 vừa qua. Minh Anh đùa rằng nếu không làm như vậy, có lẽ cả 3 sẽ “sớm phải ra đường ăn mày”.
“Chúng mình từng chi tiêu rất quá trớn, mua không biết bao nhiêu thứ linh tinh. Tự bản thân không thể có cái nhìn công tâm, chính xác về tính hợp lý của từng khoản chi nên là phải lập file quản lý chi tiêu chung, đứa này thấy đứa kia mua thứ gì phù phiếm, vô nghĩa là mắng ngay” – Minh Anh chia sẻ.
Vì “hội đồng phán xét” mới thành lập chưa đầy 1 tháng, nên cũng chưa có đủ dữ liệu để khẳng định việc này giúp cả 3 tiết kiệm được đến mức độ nào. Dẫu vậy, Minh Anh vẫn khá tự tin cho biết: “Sau khi chịu sự phán xét lẫn kiểm soát của hội chị em, mình nghĩ số tiền mình tiêu trong cả tháng 1 này sẽ chỉ bằng số tiền mình tiêu trong 2 tuần đầu tiên của tháng 12 thôi ấy”.
Từ trái qua phải: Thu Anh – An Khanh – Minh Anh (Ảnh: NVCC) |
Mới cùng nhau kiểm soát chi tiêu được chưa đầy 1 tháng mà Minh Anh đã cắt giảm được 50% tổng số tiền chi tiêu. Đây hoàn hoàn là một sự tiến bộ đáng được ghi nhận, cũng là bằng chứng cho thấy việc cùng hội chị em “thắt chặt chi tiêu” bằng 1 file quản lý chi tiêu chung mang lại hiệu quả khả quan đến nhường nào.
Vì sao chúng ta nên tập hình thành thói quen kiểm soát chi tiêu?
Câu trả lời rất đơn giản: Kiểm soát chi tiêu là cách tốt nhất và có lẽ cũng là duy nhất để hình thành thói quen tiết kiệm. Chưa kể, nếu không học cách kiểm soát chi tiêu, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào bẫy lạm phát lối sống, thậm chí là siêu lạm phát lối sống.
Nếu bạn chưa biết: Lạm phát lối sống là hiện tượng chi phí sinh hoạt/chi tiêu tăng lên khi thu nhập tăng lên. Còn siêu lạm phát lối sống chính là việc chi phí sinh hoạt/chi tiêu ngày càng tăng dù thu nhập không tăng, thậm chí còn giảm.
Vì lẽ đó, cũng không hề ngoa nếu gọi lạm phát lối sống/siêu lạm phát lối sống là “kẻ hủy diệt” sức khỏe tài chính. Nếu không biết kiểm soát chi tiêu, một người vẫn có thể rơi vào cảnh rỗng ví ngay cả khi thu nhập tăng đều đặn hàng tháng.
Chính vì thế, nếu bạn cảm thấy việc rèn luyện thói quen kiểm soát chi tiêu khó quá, hãy thử tham khảo cách Minh Anh và 2 người bạn của mình đã làm.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Trong trường hợp này, hòn núi cao ấy chính là khoản tiền mà chúng ta tiết kiệm được hàng tháng từ việc cắt bỏ những khoản chi vô nghĩa. Chuyện này, nghe hấp dẫn hơn hẳn việc cứ đến cuối tháng là tìm nhau than thở “mày ơi tao hết tiền”, đúng không?
Theo Phụ nữ Mới
Xem thêm: