Vé máy bay giá trên trời, nhiều người chọn không về quê ăn Tết để dành tiền biếu bố mẹ

Phunuduongthoi.vn – Mua vé máy bay là khoản chi mà nhiều người cần cân nhắc.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh sự háo hức đón Tết, nhiều người cũng đau đầu vì các khoản chi phí cho những ngày cuối năm, có thể bay mất 1-2 tháng lương là chuyện bình thường.

Trong số đó, mua vé máy bay là khoản chi tiêu tốn kém bậc nhất, đặc biệt với những gia đình đông thành viên. Trong tình hình giá vé máy bay tăng cao theo từng ngày, đây là yếu tố khiến họ “đặt lên đặt xuống” kế hoạch về quê ăn Tết của mình.

Vé máy bay Tết quá đắt với mức sống năm nay

V.H (24 tuổi) đang làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM. Từ đầu tháng 12, cô đã bắt đầu “săn” vé máy bay 2 chiều giá rẻ để về Hà Nội ăn Tết. Được biết, tổng chi phí mua vé máy bay của V.H khoảng 4,5 triệu đồng – một con số ít nhiều gây áp lực với người trẻ mới đi làm.

Nhờ đặt vé sớm nên chi phí đi máy bay của V.H tiết kiệm được 1,5 – 2 triệu đồng so với đồng nghiệp đặt vé muộn hơn. Một tips nữa để tiết kiệm là V.H còn chọn chuyến đi cuối ngày của những hãng hàng không.

“Bay đêm giúp mình giảm tiền, có thêm thời gian sắp xếp đồ đạc, tránh bị muộn khi ra sân bay. Tuy nhiên, bay đêm sẽ gây bất tiện và mệt mỏi khá nhiều. Ví dụ trong lần đi từ TP.HCM đến Hà Nội, mình sẽ xuống sân bay lúc 2h sáng. Sau đó, mình đang tính bắt taxi về nhà, sẽ tốn thêm vài trăm ngàn đồng. Hoặc mình có thể ngồi đến 5-6h sáng ở sân bay để đợi xe bus, như thế số tiền bỏ ra sẽ ít hơn”, V.H chia sẻ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Đinh Tài (24 tuổi) đang sống ở TP.HCM cùng mẹ. Anh cho biết vẫn chưa quyết định được có nên về Hà Nội ăn Tết cùng người thân, họ hàng hay không. Chàng trai muốn về quê sum họp, vì đi làm xa nhà nên một năm chỉ có thể về quê 1-2 lần. Tuy nhiên, chi phí di chuyển đắt đỏ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Đinh Tài đắn đo.

Chàng trai tính toán: “Năm nay vé máy bay hét giá cao quá. Trong năm ngoái, tổng tiền đi lại về quê ăn Tết của hai mẹ con khoảng 20 triệu đồng, năm nay thì có thể lên đến 30 triệu đồng. Với số tiền đó, mình chỉ cần bỏ 1 nửa là có thể đi chơi nhiều nơi như Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang… là thoải mái chi tiêu.

Với số tiền mười mấy chục triệu bay ra ăn Tết mà chỉ ở được ở 3-4 ngày thì mình phải suy nghĩ lại. Mình nghĩ, ai cũng muốn được đoàn viên cùng gia đình, người thân, bạn bè. Nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn mà tiền di chuyển cao thì ai cũng phải đắn đo như mình thôi”.

Tiền vé máy bay chỉ là một trong những chi phí tiêu Tết mà Đinh Tài cần cân nhắc. Nếu chọn về quê thì chàng trai sẽ mất thêm khoảng 10 – 13 triệu đồng cho nhiều khoản khác như mua trang phục, quà Tết, mừng tuổi… chưa tính số tiền mà mẹ anh cần bỏ ra.

“Mình cũng hỏi mẹ chuyện về quê ăn Tết rồi. Mẹ bảo: ‘Năm nay khó khăn thì con về Tết một mình rồi qua Tết mẹ về cũng được’. Mình thì không muốn vậy. Có lẽ trong tuần này mình phải quyết định xem nên về hay ở lại. Hay một người về, một người ở lại. Hồi bé thì ước Tết đến sớm, lớn rồi lại thấy sợ Tết”, Đinh Tài tâm sự.

Đinh Tài:
Đinh Tài: “Hồi bé thì ước đến Tết sớm, lớn rồi lại thấy sợ Tết” (Ảnh minh hoạ)

 “Thà để tiền đấy biếu bố mẹ”

Khi mới tra vé máy bay, nhiều người đã “chùn bước” khi dự tính tốn hàng chục triệu đồng cho việc đi lại. Do đó thay vì về quê, họ quyết định dùng khoản tiền này để mua quà biếu phụ huynh hoặc phục vụ mục đích tài chính khác.

Thuỳ (30 tuổi) đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc. Cách đây 2 tháng, cô đã tâm sự với phụ huynh sẽ không về nước ăn Tết. Bởi nếu chọn hãng máy bay giá rẻ nhất, cô cũng tốn 15 – 16 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi, chưa tính tiền hành lý.

Thuỳ cho hay: “Về nhà ăn Tết được có 4 ngày mà mất hơn chục triệu đồng thì mình cảm thấy số tiền đó khá lãng phí. Tiền đó để báo hiếu bố mẹ mình thấy có ý nghĩa hơn.

Mình thấy tiếc vì không thể về sum vầy bên gia đình, cùng họ gói bánh chưng, đón giao thừa. Mặc dù Tết mỗi năm lại có 1 lần nhưng những điều bỏ lỡ thì sẽ không quay lại. Trong năm mình về nhà khá nhiều, khoảng 7-8 lần nên cũng không quan trọng lắm chuyện Tết phải có mặt ở nhà. Thêm nữa, bố mẹ thoải mái và hiểu tính chất công việc của con”.

Thuỳ (Ảnh: NVCC)
Thuỳ (Ảnh: NVCC)

Chung nỗi niềm, Nguyễn Sen (31 tuổi, Đắk Nông) cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là chi phí đi lại tốn kém nên gia đình 4 người năm nay không về quê ngoại ăn Tết.

Lấy chồng xa nhà nên 5 năm rồi Nguyễn Sen chưa được sum vầy ngày Tết cùng bố mẹ ở quê. Ban đầu, cô dự tính sẽ cho 2 con về ăn Tết với ông bà. Tuy nhiên, do chủ quan không nghĩ giá vé tăng cao như hiện nay nên Nguyễn Sen không tranh thủ đặt vé máy bay từ sớm.

Cô chia sẻ: “Mình ở Đắk Nông về Thanh Hoá thì chi phí máy bay cho cả nhà là tầm 20 triệu đồng. Tiền đi lại và quà Tết các thứ sẽ thêm 20 – 30 triệu đồng nữa. Tết đến thì cái gì cũng tăng giá. Mình có con nhỏ nên không dám chi số tiền lớn vào mỗi dịp Tết. Đến lúc con ốm hay có việc gì xảy ra lại không có tiền để lo”.

Nguyễn Sen dự định sẽ về quê sau Tết hoặc vào dịp hè. Đây là một cách để gia đình cô có thể sum vầy cùng ông bà mà không đắn đó quá nhiều chi phí.

“Tiền tiết kiệm cả năm mà để tiêu hết trong mấy ngày Tết là chuyện không thể. Không về quê được đúng dịp Tết thì cũng buồn. Nhưng hầu như năm nay ai cũng khó khăn, chứ không riêng gia đình mình”, Nguyễn Sen bộc bạch.

Theo Phụ nữ Mới

Xem thêm:

Nên đọc