Quấy rối bằng ngôn từ trên mạng: Phụ nữ nào cũng cần được tôn trọng
Phunuduongthoi.vn – Do sự phát triển của thời công nghệ 4.0 nên những hành vi quấy rối bằng ngôn từ trên không gian mạng cũng ngày càng phổ biến, điển hình là các hành vi đăng tin đồn, nhận xét tình dục, mạo danh xúc phạm tống tiền,… thông qua Facebook, Twitter hoặc Instagram.
Hiện nay, không dễ để nhận diện được hành động, lời lẽ mang tính chất quấy rối tình dục đối với thanh, thiếu niên. Càng khó khăn hơn khi ít người biết được, ngay cả lời khen cũng có thể là một hình thức quấy rối trá hình.
“Lời khen” hay quấy rối?
“Mlem quá trời”, “Nhìn mà muốn rụng trứng”, “Ngọt nước quá đi” hay “Nhìn ngon thế này thì khỏe phải biết”… Không thiếu các bình luận tương tự hoặc thậm chí thô tục hơn mà chúng ta có thể nhìn thấy dưới các bài đăng trên mạng xã hội. Đó có thể là bình luận dưới bức ảnh ai đó vừa chia sẻ khoảnh khắc đẹp của bản thân, cũng có thể là ở một trang mạng nào đó vừa đăng hình một thần tượng, một người nổi tiếng hoặc một ai đó bất kỳ vừa “được” chớp khoảnh khắc xuất thần.
Không chỉ có đàn ông mới buông lời cợt nhả về những bức ảnh cơ thể phụ nữ trên mạng internet mà ngày càng đông chị em sẵn sàng comment dưới bức hình một thiếu gia nhảy dưới mưa hay một diễn viên Hàn Quốc những câu kiểu “Nhìn muốn rụng trứng” hay “Chỉ muốn cắn”, “chảy nước miếng”… Đáng nói là lâu dần, chúng ta thản nhiên trước các bình luận, bình phẩm ấy, không ai bày tỏ thái độ khó chịu một cách công khai trên mạng xã hội. Thậm chí, không ít lần chúng ta còn hùa theo, đưa đẩy câu chuyện. Nếu ai đó tỏ ra khó chịu trước những bình phẩm ấy thì sẽ bị mọi người cho rằng chỉ đùa cho vui, thấy đẹp thì khen chứ có gì mà phải căng thẳng, hoặc bình luận là quyền cá nhân, không thích thì thôi, sao phải nâng cao quan điểm…
Những cách diễn đạt mang ngụ ý tình dục, truyện cười gợi ý về tình dục hay việc nhận xét, bình phẩm nhắm vào cơ thể của một người nào đó là “ngon”, vật hóa cơ thể họ… xuất hiện không hề ít trên các trang mạng xã hội. Và những hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn từ này đôi khi vẫn được khoác cho “lớp áo” của đùa vui hay khen ngợi. Có người dùng lập luận này để biện minh cho hành động của mình, cũng có người vì thiếu hiểu biết một cách đầy đủ nên thực sự thấy “oan uổng” khi bị kết luận là quấy rối dù khen với ý đồ tích cực.
Để có thể thực sự khen một cách văn minh, để bản thân không vô tình bước qua ranh giới mong manh của khen và quấy rối tình dục hay không ai có cơ hội biện minh cho hành vi quấy rối của mình bằng lập luận “khen” hay “yêu cái đẹp”, hiểu đúng và đủ về quấy rối tình dục là vô cùng quan trọng. Mối quan hệ giữa các chủ thể trong cuộc trò chuyện, không gian, bối cảnh trò chuyện và sự đồng tình, thái độ của người tiếp nhận những bình luận ấy luôn cần được cân nhắc, xem xét và tôn trọng để đảm bảo mọi bình luận, dù là khen cũng sẽ được truyền đi một cách lịch sự và văn minh.
Quấy rối không chỉ là đụng chạm vào cơ thể
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 9/2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam khoảng 70 triệu, chiếm 70% tổng dân số. Việt Nam đứng thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á về số lượng người sử dụng mạng. Còn báo cáo của We are Social cho biết, trung bình người Việt sử dụng internet 6,5h/ngày, trong đó 2, 3 giờ cho mạng xã hội.
Theo khảo sát của Microsoft về chỉ số văn minh trên mạng năm 2020, Việt Nam đứng thứ 5 trên tổng số 25 quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường internet. Các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam được chỉ ra trong khảo sát gồm: Liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%). Cũng theo khảo sát này, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải một trong 21 hành xử không đúng mực trong một tháng gần đây. 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Có thể thấy, những ngôn từ, bình luận hay những hành vi được thực hiện trên không gian “ảo” nhưng hoàn toàn có thể để lại những tổn thương thực tế cho người dùng, thậm chí là những tổn hại về tinh thần và thể chất vô cùng nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu “Quấy rối tình dục trong thanh thiếu niên ở trường học” do ISDS, TFCF và Actionaid thực hiện, 60 % thanh thiếu niên đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục và 50% thanh thiếu niên bị tổn thất về sức khỏe tinh thần sau khi bị quấy rối tình dục. Theo nghiên cứu Trải nghiệm quấy rối tình dục của nữ sinh các trường đại học tại thành phố Đà Nẵng của Thạc sỹ Lê Thị Lâm, 73,3% trải nghiệm việc bị bình phẩm nhạy cảm về cơ thể, 73,6% trải nghiệm quấy rối tình dục qua tin nhắn, email.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho biết, rất nhiều người cho rằng, khi được khen, ca ngợi thì không được gọi là quấy rối tình dục. Tuy nhiên, với những lời khen không đúng chỗ, không đúng lúc và không đúng mức độ, đó chính là hình thức QRTD khi đã làm cho người nghe khó chịu.
Theo bà Vân Anh, “làn ranh” giữa khen ngợi và quấy rối không đơn giản. Tuy nhiên, cách tốt nhất là giữ chừng mực trong giao tiếp, khi đang làm công việc gì, người nói chỉ nên trao đổi đúng về công việc đó. Đặc biệt, nói về nam giới, nữ giới trong mọi độ tuổi, cần phải lựa chọn, sử dụng ngôn từ cẩn thận đúng với vị trí, mối quan hệ, không thể dùng những lời khen “đụng chạm” đến giới tính.
Về mặt pháp luật, hiện nay, đã có tương đối đầy đủ các quy định pháp luật về vấn đề này cũng như các quy tắc ứng xử. Nghị định 144/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã tăng nặng mức phạt đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Bên cạnh đó, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nếu hành vi làm nhục người khác mà khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc làm nạn nhân tự sát có thể bị phạt tù lên đến 5 năm…
Nhưng hơn hết, mọi người trong xã hội, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, trình độ văn hóa đều cần có kiến thức về việc “sống văn minh là không quấy rối tình dục”, để không bao giờ vi phạm vào điều này. “Mọi người cần hiểu khi thực hiện hành vi quấy rối tình dục, họ phải đối diện với việc bị xử phạt và ảnh hưởng đến chính quyền lợi cá nhân. Học sinh ở ngay từ cấp tiểu học, mầm non nên được giáo dục nghiêm túc, kỹ lưỡng về quấy rối tình dục, để khi trưởng thành tất cả mọi người đều có kiến thức và nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
Mỗi một người đàn ông khi lập gia đình thì có vợ, con, nếu chưa lập gia đình họ có mẹ, có chị, có bà… Đều là những người phụ nữ đáng để họ thương yêu, trân trọng. Nhưng khi một người đàn ông phát ngôn những lời lẽ quấy rối đối với người phụ nữ khác, có lẽ họ đã tạm thời quên đi mối liên kết của mình đối với những người phụ nữ thân thương.
Họ đâu biết rằng khi họ buông lời xúc phạm đối với một người phụ nữ xa lạ thì họ cũng cứa vào trái tim những người phụ nữ yêu quý của họ, bằng cách này hay cách khác.
Rất nhiều người đàn ông, khi trà dư tửu hậu, lúc quá chén, hay thậm chí lúc bình thường, có thể thản nhiên quấy rối, cợt nhả, xúc phạm người phụ nữ khác. Họ không nghĩ rằng, phụ nữ nào cũng cần được tôn trọng, dù là phụ nữ bên ngoài hay người nhà mình.
Thời gian gần đây, các “ông lớn” trong lĩnh vực mạng xã hội như Meta (Facebook, Instagram), Alphabet (YouTube) hay ByteDance (TikTok) thường xuyên thay đổi chính sách và cho biết họ đang ngày càng hoàn thiện hơn trong việc xác định, ngăn chặn hành vi quấy rối và đều đạt được những thành quả nhất định.Bên cạnh đó, sự phối hợp của các lực lượng thực thi pháp luật trong việc chủ động phát hiện và xử phạt các hành vi quấy rối cũng sẽ là một yếu tố quan trọng để đẩy lùi “độc tính trực tuyến”. |