Tự trách mình đi!
Cuối năm, ngồi nghe một thành viên ban điều hành chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao kể chuyện bị mất thị phần của nhiều thương hiệu Việt, thấy thật đắng lòng!
Rằng một thương hiệu thức uống hàng đầu Việt Nam từ hàng chục năm trước đã tiến sâu vào thị trường Trung Quốc và thắng lớn. Vì thành công đến sớm nên sinh chủ quan, doanh nghiệp này không lo đăng ký sở hữu nhãn hàng với cơ quan quản lý nước sở tại, một thời gian ngắn sau đã bị lấy cắp thương hiệu. Kẻ cắp ung dung sản xuất hàng loạt, nhờ nguyên liệu rẻ, ít tốn chi phí phân phối và tiếp thị nên giá bán rất cạnh tranh. Vài năm sau, thương hiệu thức uống Việt kia bị đánh bật khỏi hệ thống siêu thị Trung Quốc, phải dạt ra tiệm tạp hóa hoặc chợ truyền thống. “Hàng nhái “ngủ giường”, hàng thật “ngủ lề đường”. Bi kịch thật!” – người kể chuyện cảm thán. Đau hơn nữa là loại hàng nhái kia lại xuất ngược sang Việt Nam và vẫn tiêu thụ ào ào!
Thương hiệu dụng cụ làm đẹp Việt nọ cực kỳ nổi tiếng, sớm được chào đón ở Mỹ và cũng thâm nhập thành công thị trường Trung Quốc. Nhóm thợ tâm phúc giỏi nghề bậc nhất chính là những hạt nhân chìa khóa đem lại sự thành công ấy. Một vài năm sau, chủ doanh nghiệp tá hỏa khi hay tin nhóm thợ kia lần lượt bỏ ông, lập cơ sở riêng và “đánh” hàng sang Trung Quốc. Địch không lại những “lính” cũ của mình, thương hiệu đó đành cầm cự, tìm cách chuyển hướng thị trường.
Người kể chuyện nói thêm: “Tất cả những vụ đấy đều có người Việt tiếp tay cho gian thương Trung Quốc. Công ty tôi cũng bị như thế nhưng nhờ chủ động nên giữ được vị thế cho tới giờ, chứ không thì…”.
Những thương hiệu đình đám mà còn bị như vậy, huống hồ hàng tiêu dùng đại trà thì bị phía Trung Quốc tấn công đến mức nào. Con số thâm hụt thương mại 20 tỉ USD nghiêng về phía Việt Nam cho thấy một phần hiện trạng, còn thực tế thì lớn hơn nhiều bởi phía ta không kiểm soát được hết hàng lậu, hàng giả.
Từ chiếc áo, cái quần; từ những loại nông sản phổ dụng đến tăm xỉa răng…, thứ gì Trung Quốc cũng xuất sang ta được; thậm chí đội lốt hàng Việt Nam, dẫu có mang tiếng độc hại và chất lượng kém đến mấy song vẫn được người Việt đón nhận. Ấy là vì sao?
Trước hết, phải tự trách mình. Hàng độc, hàng nhái từ Trung Quốc không thể tự thân nó vào Việt Nam được mà là do khâu kiểm tra, kiểm soát của chúng ta lỏng lẻo, cũng không ngoại trừ cán bộ thả cửa vì ăn tiền đút lót…
Hàng độc, hàng dỏm mà sao vẫn bán chạy. Lại tự trách chúng ta thôi. Vì nghèo, thấy rẻ thì mua dùng cái đã, có bệnh tật chết chóc cũng 5-10 năm sau. Tâm lý người ít tiền là vậy. Cũng vì chúng ta không làm ra được hàng tốt hơn mà giá ngang bằng hoặc rẻ hơn hàng Trung Quốc nên phải chịu. Quy luật thị trường là thế.
Và như những câu chuyện đã kể, chính một bộ phận không nhỏ người Việt đã tiếp tay hãm hại đồng bào mình. Không chỉ là những trò buôn gian bán lận thông thường mà còn nhẫn tâm hơn, như nhập trái cây hỏng từ Trung Quốc và dùng hóa chất bơm vào để giữ tươi, đem bán. Ai bệnh, ai chết, mặc; mình kiếm tiền cái đã!
Làm ăn với ai cũng vậy, hôm nay là đối tác nhưng có thể ngày mai là đối thủ. Vì thế, luôn cảnh giác, chủ động và phải tự cường; ngược lại thì sẽ mãi lệ thuộc và thua cuộc.
Theo Người lao động