Những sự kiện y tế nổi bật năm 2020, đưa ngành Y Việt Nam bước sang trang mới
Phunuduongthoi.vn – Năm 2020, do ảnh hưởng chung tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu, y tế Việt Nam có một số điểm nổi bật như phát triển và cho ra đời vắc-xin phòng bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, dịch bệnh phát sinh mùa mưa lũ…
Khống chế thành công dịch COVID-19
Kể từ đầu năm cho đến thời điểm cuối năm 2020, dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 1.413 người nhiễm Covid-19, trong đó có 1.269 trường hợp hồi phục và 35 người đã tử vong được xác định trên nền bệnh lý nặng.
Bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra được giới chuyên gia đánh giá cực kỳ dễ lây lan, đặc biệt chủng virus biến đổi liên tục nên cần có biện pháp ngăn chặn, phòng tránh. Mặc dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt nhưng công tác phòng chống dịch bệnh, tinh thần cảnh giác cao của người dân đã bước đầu đẩy lùi dịch bệnh đi xa. Hiện tại, Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là thành tựu nổi bật đáng được khen ngợi dành cho y tế Việt Nam năm 2020.
Mặc dù vậy, Bộ Y tế liên tục đưa ra các khuyến cáo nhắc nhở người dân không được mất cảnh giác với căn bệnh rất dễ lây lan bằng việc như: rửa tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng, đông người, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người… để phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ, khi thế giới chưa chấm dứt dịch bệnh thì nguy cơ lây nhiễm trong nước vẫn còn rất cao.
Phát triển vắc-xin phòng chống dịch Covid-19
Trong khi nhiều nước trên thế giới cùng mong muốn sản xuất ra vắc-xin thì Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19. Vào sáng ngày 17/12, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vắc-xin Covid-19 Nano Covax đầu tiên cho 3 người tình nguyện, gồm 2 nam và 1 nữ. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 của Việt Nam.
Vắc-xin Nano Covax là vắc-xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc-xin đảm bảo về an toàn. Điểm mạnh của vắc-xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc-xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ -75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.
Ngành ghép tạng xác lập nhiều kỷ lục mới
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, bệnh viện đã liên tiếp thực hiện thành công những ca ghép tạng từ người cho chết não, xác lập nên những kỉ lục mới trong ngành ghép tạng.
Lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ghép tim cho 2 bệnh nhân trong 2 ngày liên tiếp (11 và 12/9), hiện sức khỏe ổn định.
Cũng trong thời gian qua, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiếp tục lập nên những kỷ lục mới trong ngành ghép tạng. Lần đầu tiên trong 13 ngày (từ ngày 30.8 đến ngày 12.9), các chuyên gia đã ghép thành công 23 tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó gồm: 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não). Hiện tại, tất cả các tạng đều rất tốt.
Chưa hết, có rất nhiều ca ghép tạng từ một trường hợp ghép cho nhiều người, cứu sống nhiều người một lúc. Điển hình như bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương điều phối và lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não ngay tại bệnh viện. Tạng của bệnh nhân chết não được dùng cứu sống cho 6 bệnh nhân khác nhau bao gồm: Ghép 2 phổi cho 1 bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; Ghép gan cho 1 bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; Ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối; Ghép đồng thời 2 cẳng bàn tay cho 1 bệnh nhân bị cụt cả hai cẳng tay do tai nạn chất nổ.
Ngoài ra, Bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia lấy và ghép tim cho 1 bệnh nhân bị viêm cơ tim thể dãn giai đoạn cuối tại BV Hữu nghị Việt Đức. Để thực hiện ca mổ lấy, ghép này, BV Trung ương Quân đội 108 đã huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên của BV tham gia phối hợp chặt chẽ. Điều đặc biệt là 12 bàn mổ được phối hợp hoạt động đồng thời. Sau 24 giờ chuẩn bị khẩn trương và trong suốt hơn 10 giờ tiến hành phẫu thuật, kết quả lấy ghép tạng cho đến nay đều thuận lợi.
Mới đây nhất, Bệnh viện 108 cũng tiếp tục lập kỷ lục chỉ trong 1 tuần thực hiện 5 ca ghép gan thành công.
Mổ tách thành công cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi
Khoảng 14 giờ 7 phút chiều 15-7, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tách rời thành công hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi.
Trước đó, khoảng 12 giờ 30 phút, ê-kíp chỉnh hình chuẩn bị thay ê-kíp phẫu thuật niệu. Đội ngũ y, bác sĩ bước vào phần quan trọng tiếp theo là tách phần xương, tiến hành tách rời hai bé và chuyển hai phòng mổ khác với hai ê-kíp đang chuẩn bị.
Đến 14 giờ 7 phút, hai bé được tách rời thành công. Sinh hiệu hai bé hoàn toàn ổn định đến thời điểm này. Hai bé được chuyển sang phòng phẫu thuật khác để tiếp tục chỉnh, tạo hình các cơ quan. Các bác sĩ đang tiến hành chỉnh lại khung chậu, chỉnh hình cho hai bé, đã truyền một đơn vị máu.
Toàn bộ gần 100 nhân viên bao gồm hơn 60 y, bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tham gia vào cuộc phẫu thuật.
Bệnh viện cũng đã phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, 2; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết với mục tiêu mang lại cuộc sống riêng hoàn thiện cho hai bé.
Đây là sự kiện y tế nổi bật quan trọng, đánh dấu vị thế mới của y tế Việt Nam, Việt Nam trở thành điểm sáng được vinh danh trên toàn thế giới.
Whitmore – Dịch bệnh phát sinh trong mùa mưa lũ
Năm 2020, miền Trung phải oằn mình chống bão lũ ồ ạt, để lại sau đó rất nhiều mất mát về người và của. Không những thế, nhiều bệnh dịch phát sinh trong thời gian mưa lũ, trong đó có cả bệnh Whitmore – căn bệnh được mệnh danh là “bệnh ăn thịt người”. Với hơn 30 người nhập viện vì bị bệnh whitmore, Bộ Y tế đã lên tiếng nhắc nhở người dân cần hết sức phòng bệnh trong điều kiện mưa lũ kéo dài.
Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như trước đây 5-10 năm mới ghi nhận có 20 ca mắc bệnh whitmore thì đến năm nay số lượng đã tăng đột biến.
TS Trịnh Thành Trung (Trưởng khoa của Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học quốc gia Hà Nội) vốn là người đi sâu, tìm hiểu kỹ về bệnh Whitmore nhiều năm qua, nhận định: “Whitmore là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể diễn tiến tối cấp và gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện đúng bệnh và thực hiện điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn”.
Do đó, điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh. Chuyên gia cũng khẳng định, whitmore không phải là một loại bệnh hiếm gặp như nhiều người đang suy nghĩ. Thực tế, đây là căn bệnh đang bị lãng quên tại Việt Nam và nó đã trở lại.
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm: