Anh chồng dậy sớm làm cơm bento cho vợ đi làm
Phunuduongthoi.vn – Một năm nay, anh Việt có thói quen dậy từ sáng sớm nấu cơm, trang trí thành những hộp bento đẹp mắt cho chị Diệu mang đi làm, để trị thói biếng ăn của vợ.
“Có thời điểm tôi lười ăn đến nỗi chồng bắt chụp hình bữa sáng và bữa trưa mỗi ngày gửi anh xem. Kể từ giữa năm 2020, tôi bắt đầu thấy các hộp bento đặt trên bàn mỗi sáng ngủ dậy”, chị Thái Huỳnh Xuân Diệu, 33 tuổi, ở TP Thủ Đức kể.
Chồng chị, anh Đặng Cao Quốc Việt là một kiến trúc sư và cũng là người thích nấu nướng. Để chuẩn bị những hộp cơm cho vợ mang đi làm, anh chồng thường thức dậy từ 5h sáng. Thức ăn được mua từ tối hôm trước, sau khi đi làm về, sơ chế rồi cất tủ lạnh, sáng hôm sau dậy nấu.
Anh Việt thường lên ý tưởng cho thực đơn từ trước nhưng để tạo bất ngờ, anh không bao giờ hỏi chị Diệu thích ăn gì mà làm theo cảm hứng. Việt cho hay, bản thân anh là người sáng tạo nên không có công thức hay nguyên tắc bài bản giống như đầu bếp chuyên nghiệp. “Tôi thường thích gì thì làm đó, miễn là tốt cho sức khỏe vợ mình”, người đàn ông 33 tuổi nói.
Thời gian dành cho việc nấu nướng mỗi sáng của anh thường khoảng 30-45 phút. Theo vị kiến trúc sư, những lúc sơ chế hay nấu nướng là thời điểm anh thư giãn nhất, dễ nghĩ ra những phương án thiết kế hiệu quả nhất. “Nên không việc gì phải vội, một công đôi việc mà”, ông bố một con chia sẻ.
Bởi tính tỉ mỉ, cầu kỳ nên mọi việc Việt đều tự suy nghĩ và sắp xếp hợp lý dựa trên kinh nghiệm có sẵn như món nào nấu trước, món nào nấu sau. Là một nhà quản lý lâu năm, người đàn ông này luôn biết cách sắp xếp mọi thứ để hoàn thiện nhanh chóng và tốt nhất có thể, không chỉ riêng việc nấu ăn.
“Anh ấy rửa đồ rất kỹ, xếp nguyên liệu vào tủ lạnh cũng luôn đẹp, gọn gàng để tạo hứng thú vào bếp sau đó nữa”, Diệu nói về chồng.
Ý tưởng trang trí hộp cơm, Việt luôn có sẵn trong đầu từ trước khi mua nguyên liệu. Anh ví rằng, ý tưởng đó cũng giống như việc tưởng tượng ra mặt cắt, mặt đứng ngôi nhà của khách từ trước khi đặt bút vẽ bản thiết kế vậy.
Dù “vừa làm vừa chơi”, nhưng trước 6h30, những hộp cơm bento đã được đặt sẵn lên bàn. Sau thời gian nấu nướng, Việt vẫn có thói quen tập thể dục và đọc sách, những việc không thể thiếu trong một ngày hoạt động bận rộn của mình.
Ngoài cơm, người chồng còn đặt vào túi xách vợ một phần “ăn xế”, có khi là sữa chua, hạt khô, trái cây hay bánh mì đề phòng Diệu không ăn được món anh nấu. “Thường tôi sẽ ăn hết, vì trả lời những câu hỏi vì sao đồ ăn còn sót lại còn mệt hơn”, Diệu cười nói. Bởi vậy, từ ngày được chồng nấu cơm mang đi, cô cũng bớt lười ăn.
Người vợ cho biết, mỗi ngày nhận hộp cơm từ chồng, cô đều háo hức như trẻ con mở hộp quà bí mật. Những bữa trưa ở cơ quan, cô không ăn hết mà chia cho đồng nghiệp rồi thu thập ý kiến về góp ý với chồng. Đồng nghiệp của Diệu thường trầm trồ khen ngợi, hỏi han công thức, có người còn trêu “Chồng của chúng ta hôm nay nấu món gì thế?”, khiến người vợ ôm bụng cười.
Trong hàng trăm hộp cơm được chồng chuẩn bị suốt một năm qua, Diệu nhớ nhất hộp có hình rong biển mặt cười gắn trên cơm nắm, bên cạnh là 2 chiếc đùi gà. Lúc mở hộp, cô ngạc nhiên hỏi: “Có chắc đây là hộp cơm của em không. Hay là của con?”. Hóa ra trong mắt anh, cô vẫn giống một đứa trẻ, cần được chăm sóc và dỗ dành. Còn Việt thường quan sát vợ mở hộp cơm mỗi sáng và hỏi ý kiến sau bữa trưa. Bữa nào quên phản hồi là lại nhắn hỏi han.
Ngoài nấu cơm, người đàn ông này còn sẵn sàng xắn tay giặt giũ, rửa chén bát, tắm và dạy con học. Theo Việt, nếu không tự giác làm việc nhà và chăm sóc con cái, đó là một thiếu sót lớn trong việc xây dựng tình cảm gia đình. Ở ngôi nhà này, không có khái niệm việc này của đàn ông, việc kia của phụ nữ mà chỉ có việc của hai vợ chồng.
Còn với chị Diệu, ngày nào cô cũng nói lời cảm ơn chồng vì những hộp cơm anh dành cho vợ. Ngoài nấu ăn, cô cũng biết ơn anh vì luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mình. “Đó là nguyên tắc tối thiểu cần phải có trong hôn nhân. Tôi tin là vợ chồng mình đang yêu thương và quan tâm nhau đúng cách”, người phụ nữ chia sẻ
Theo VNE
Xem thêm: