Cha mẹ lo lắng vì con lớp 1 “mắc kẹt” ở quê khi trường bắt đầu dạy online
Phunuduongthoi.vn – Những ngày này, vợ chồng anh Lê Anh Đức (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lòng nóng như lửa đốt khi cô con gái vừa mới bước vào lớp 1 vẫn đang bị “mắc kẹt” ở quê với ông bà. Anh Đức không biết làm thế nào để đón con lên Hà Nội khi trường của con đã học online từ đầu tháng 8.
Không kịp trở tay khi trường dạy online
Đợt nghỉ lễ 30/4 &1/5, vợ chồng anh Đức đưa 2 con (con 6 tuổi, con 4 tuổi) về chơi và tiện thể nghỉ hè tại nhà ông bà luôn. Anh Đức muốn trong mấy tháng hè, con gái chuẩn bị bước vào lớp 1 sẽ được bà (là giáo viên tiểu học) dạy chữ, dạy số, dạy đánh vần. Dự tính của vợ chồng anh Đức là cuối tháng 7 sẽ đón các con lên Hà Nội, chuẩn bị cho con bước vào năm học mới.
Thế nhưng, kế hoạch của vợ chồng anh đã vỡ tan khi Hà Nội bước vào những ngày giãn cách. Khỏi phải nói, anh và vợ đã lo lắng, sốt ruột như thế nào khi trường của con (trường tư) thông báo cho học sinh học online trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn căng thẳng. Nếu con đã lớn, đã quen với việc học online thì anh cũng không đến mức phải “lo sốt vó” như vậy. Đằng này, con vừa hết tuổi mẫu giáo, là những ngày đi học đầu tiên của cuộc đời, con sẽ vô cùng bỡ ngỡ và lo lắng. Thế nhưng, Hà Nội đang giãn cách theo thị 16 của Chính phủ, vợ chồng anh và con đành “ở hai đầu nỗi nhớ”. 2 tuần nay, khi con bắt đầu bước vào lớp 1, ông bà nội thay vợ chồng anh hướng dẫn con học online.
Anh Đức cho biết, cũng may nhờ được bà kèm nên việc học của con không gặp khó khăn gì nhiều. Tuy nhiên, mỗi lần gọi điện nói chuyện với con, con rất sợ học môn tiếng Anh. Nếu ở cùng bố mẹ thì bố mẹ sẽ giúp và hỗ trợ cho con được phần nào. “Tôi rất lo nếu con có nỗi sợ trong những ngày đầu đi học của mình. Thế nên, tôi rất mong được đón con lên Hà Nội để có thể đồng hành cùng con trong những ngày con học online như thế này. Hơn nữa, ông bà không thạo công nghệ, mỗi buổi học chúng tôi phải gọi điện hướng dẫn nhiều nên rất bất cập”, anh Đức chia sẻ.
Chờ trong lo lắng
Thế nên, khi nghe tin Hà Nội có công văn rà soát nhu cầu trở về địa phương khác của người dân đang cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có cả việc rà soát người dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hiện đang tạm trú tại các địa phương khác có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về Hà Nội (thông qua gia đình, người thân…), vợ chồng anh Đức mừng phát khóc. Vậy là có cơ hội đón con về Hà Nội, để con bớt lo lắng trong những ngày đi học đầu tiên của cuộc đời mình.
Vợ chồng anh Đức lập tức lên công an phường hỏi thủ tục, giấy tờ. Tuy nhiên, công văn đó mới chỉ là khảo sát nhu cầu. Ngổn ngang, loay hoay, lo lắng, anh Đức gọi điện lên CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) Hà Nội để tìm hiểu những quy định cách ly cho người từ nơi khác về Hà Nội, từ Hà Nội về các tỉnh… Hỏi đủ mọi nơi, tìm đủ mọi cách làm thế nào có thể đón con từ Hải Phòng về Hà Nội nhưng không có câu trả lời. Không thể bình tĩnh được, anh Đức lái xe ra chốt chặn ở đường cao tốc để hỏi thủ tục nhưng chỉ nhận được câu trả lời là: “Không có cách nào”. Anh Đức đành trở về nhà trong sự lo lắng, thất vọng.
Với tình hình dịch thế này, không biết khi nào anh mới có thể đón con về để đồng hành cùng con trong những ngày đầu đi học. Mỗi ngày trôi qua với vợ chồng anh dài dằng dặc. Điều mà vợ chồng anh Đức lo nhất là ông bà nội (đều là giáo viên) sắp phải đến trường, như vậy 2 đứa con nhỏ sẽ không có ai trông, cô con gái học lớp 1 cũng không có ai mở máy tính, ngồi bên cạnh hướng dẫn để có thể học online.
Hà Nội cũng như nhiều tỉnh có lịch quay trở lại trường, lịch khai giảng cho học sinh vào đầu tháng 9, trong khi vẫn có một số trẻ đang mắc kẹt ở quê thì không biết các con sẽ học như thế nào. Đây là sự băn khoăn, lo lắng rất lớn của nhiều phụ huynh. “Chúng tôi mong muốn chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi có thể đón con lên Hà Nội học. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cho con và cả gia đình cách ly 15 ngày, chỉ mong các con được về với bố mẹ để có thể yên tâm được đi học”, anh Lê Anh Đức cho biết.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: