7 thời điểm không được phê bình trẻ

Phunuduongthoi.vn – Phê bình, chỉ trích khi trẻ mắc lỗi nếu không đúng hoàn cảnh sẽ gây tác dụng ngược, khiến trẻ trở nên ngỗ nghịch hơn.

Dạy dỗ và giám sát trẻ nhỏ mặc dù là quyền của cha mẹ song điều đó không có nghĩa tùy ý thích dạy ở đâu, lúc nào cũng được, muốn lúc nào là dạy lúc đó.

Nếu không muốn biến việc dạy dỗ con cái thành cực hình với trẻ, bố mẹ cần nhớ 4 thời điểm tối kỵ dưới đây.

Trong bữa ăn

Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc có một nghiên cứu mang tên “Thói quen sống của trẻ em thành thị Trung Quốc”, kết luận rằng: Hơn một nửa số trẻ em ở nước này bị chỉ trích trong khi ăn. Nguyên nhân là người lớn cho rằng khi cả gia đình quây quần, việc dạy dỗ con cái lúc này có tác dụng tốt nhất.

Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm.

Khi trẻ đang ăn, tuyệt đối không nên chỉ trích trẻ. Ảnh: chinanews.

Các nghiên cứu chỉ ra: Hệ tiêu hóa của con người có mối quan hệ rất khăng khít với cảm xúc, chất lượng cảm xúc cũng tỷ lệ thuận với tiêu hóa. Bị chỉ trích trong lúc ăn không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn ảnh hưởng lớn đến cảm giác ngon miệng. Việc ăn uống vì thế với trẻ không còn dễ chịu mà trở nên buồn tẻ và vô vị. Từ đó tác động xấu đến sức khỏe, tâm lý trẻ.

Trước khi đi ngủ

Có một hiệu ứng trong tâm lý học, đề cập đến hiện tượng khi mọi người nhớ một loạt sự vật, hiệu ứng ghi nhớ của phần cuối tốt hơn phần giữa. Bởi vậy đứa trẻ bị chỉ trích trước khi đi ngủ sẽ cô đơn và buồn bã suốt đêm, và chúng sẽ nghi ngờ tình yêu của cha mẹ trong suốt giấc ngủ của mình. Nếu liên tục như vậy, trẻ sẽ có biểu hiện chán nản, mất ngủ và dễ gặp ác mộng hơn.

Nhiều cha mẹ bận việc nên chỉ có thời gian giao tiếp với trẻ trước khi ngủ và họ tận dụng thời điểm này để nói về chuyện học hành, la mắng, phàn nàn đủ kiểu. Cần nhớ, thời điểm trước khi đi ngủ là lúc nên nói lời nhẹ nhàng, trẻ sẽ nhận thức dễ dàng hơn. Từ đó chúng cảm thấy tự tin và nhanh chóng sửa chữa được những sai lầm của mình.

Trước mặt người ngoài

Dù nhỏ tuổi thì trẻ cũng có lòng tự trọng và biết xấu hổ. Nhiều cha mẹ vì một lý do nào đó không kìm chế được cơn nóng giận lúc trẻ mắc lỗi sẽ chê bai, mắng mỏ, không nể nang dù trước mặt nhiều người. Mục đích chính của hành động này là khiến trẻ phải xấu hổ và nhớ lâu lỗi lầm của bản thân hơn. Hoặc cha mẹ đôi khi sợ bị người khác đánh giá không biết dạy con nên phải chứng minh trước mặt mọi người thấy họ là cha mẹ hoàn hảo.

Trẻ con rất nhạy cảm, những lời khen có thể chúng nhớ không hết nhưng nếu chỉ mắng một lần có khi trẻ sẽ nhớ suốt đời. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ mất tự tin, đặc biệt là đối với những trẻ đang ở lứa tuổi trưởng thành sẽ hình thành thói quen phản kháng, cha mẹ nói gì làm ngược lại. Chẳng ai muốn bị chỉ trích nơi công cộng, dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng như nhau.

Khi trẻ ốm

Đứa trẻ bị ốm bản thân đã rất khó chịu. Những lời phê bình lúc này sẽ chỉ càng làm tâm trạng trẻ xấu đi, tạo thêm áp lực tinh thần cho chúng.

Muốn phê bình con cái, bố mẹ cũng cần phải chọn thời điểm thích hợp. Ảnh: sina.

Khi đứa trẻ khỏe mạnh, những lời chỉ trích có thể chấp nhận được, nhưng khi trẻ mệt mỏi, ốm đau, sự mỉa mai của cha mẹ sẽ tăng gấp đôi sự tàn nhẫn. Nếu cha mẹ quen rắc muối lên vết thương của con, kết quả là vết thương cũ chưa lành, lại có thêm vết thương mới. Đứa trẻ vốn mỏng manh về thể xác lẫn tinh thần khi ốm, rất cần sự ôm ấp, vỗ về của bố mẹ, lúc này phải ngừng hẳn việc chỉ trích.

Khi trẻ thừa nhận sai lầm

Khi trẻ mắc lỗi, chúng rất có ý thức về lỗi lầm của mình. Nếu trẻ biết mình đã sai ở đâu mà cha mẹ không ngừng chỉ trích, làm vậy không những vô nghĩa mà còn khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực hơn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ hay bị đổ lỗi và khen ngợi thường có những cách đối mặt với khó khăn khác nhau, một người sẽ có tâm lý rút lui và né tránh, trong khi người kia sẽ chủ động giải quyết mọi việc.

Khi trẻ đang vui hoặc buồn

Trẻ đang vui mà bị mắng không khác gì đang đi chơi lại gặp bão. Khi tâm trạng đang vui mừng vì đạt được điều gì đó thì đột nhiên bị la mắng có thể khiến trẻ bị hụt hẫng, thậm chí bị shock tinh thần, mất động lực để cố gắng.

Tương tự như vậy, la mắng con khi tâm trạng trẻ không vui cũng ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của trẻ. Ví dụ, khi trẻ bị điểm kém, vốn dĩ đã không vui, về nhà lại bị la mắng, chỉ trích khiến tâm trạng xấu đi càng nhiều. Từ đó sẽ sinh ra tâm lý sợ sệt hoặc giấu diếm, không dám nhận sai khi mắc lỗi.

Khi bố mẹ đang nóng giận

Khi bố mẹ đang nóng giận, rất dễ rơi vào trạng thái vừa mở miệng đã muốn mắng người. Trong trường hợp này, nếu đem chuyện của con cái ra dạy bảo, bố mẹ sẽ dễ dàng làm tổn thương con trẻ, đồng thời phá vỡ hình tượng của bố mẹ trong mắt trẻ.

Trong lúc này, các bậc phụ huynh cần hạ hỏa, đợi bình tĩnh trở lại hãy chỉ bảo cho con cái điều hơn lẽ thiệt.

Theo sohu

Xem thêm:

Nên đọc