Chuyện những chị em lấy chồng… cho xong!

Phunuduongthoi.vn – Một số chị em khi kết hôn mà chưa thực sự bằng lòng với vị hôn phu tương lai thường tự trấn an mình: “Thôi thì lấy chồng cho xong”, “Trước sau thì hôn nhân cũng là nấm mồ của tình yêu”, “Phụ nữ lấy chồng chỉ để… “lãi” đứa con”. Sự thực, họ nhận được gì từ những cuộc hôn nhân như thế?

Màu sắc hôn nhân kiểu “lờ lờ nước hến”

Kết hôn được 4 năm, có một con trai 3 tuổi, lẽ thường, hôn nhân của vợ chồng Thủy đang ở trong giai đoạn 5 năm đầu ngọt ngào. Vậy nhưng, Thủy lại chẳng cảm nhận được chút hương vị gì từ cuộc sống chung. “Hôn nhân của mình chẳng biết định nghĩa như thế nào, không buồn, không vui, không giận hờn, cũng chẳng lạnh nhạt. Nói chung là kiểu “lờ lờ nước hến”- Thủy tâm sự.

Song, Thủy cũng chẳng thấy lạ bởi từ trước khi cưới, cô đã hình dung trước những gì mình sẽ gặp phải. 35 tuổi, trải qua 2 mối tình chẳng đến đầu đến đũa, Thủy chán yêu và quyết định sẽ “ở vậy”. Nhưng rồi bố mẹ già giục giã, thúc ép, mẹ Thủy còn nói nếu cô không kết hôn là vô trách nhiệm và bất hiếu với gia đình. Đúng lúc đó, bạn bè mai mối cho Thủy gặp người đàn ông cô gọi là chồng bây giờ. Anh gần 40 tuổi, chưa kết hôn lần nào. Sau vài lần gặp gỡ, Thủy chẳng có chút rung động nào. Tính tình anh chỉn chu, thận trọng, sợ sai… còn Thủy thì phóng khoáng, thích xê dịch, làm nhiều nghĩ ít… Nhìn chung là đối lập hẳn với nhau.

Biết Thủy lăn tăn, bạn bè lại vun vào, bảo vợ chồng thì phải bù đắp khuyết thiếu cho nhau. Nếu cả hai cùng “một tấc đến giời” như Thủy thì tan hoang cả cửa nhà. Thế là Thủy đồng ý kết hôn. Chỉ 2 tháng sau buổi gặp nhau đầu tiên, Thủy lên xe hoa. Rồi một bé trai ra đời, được cho là chất keo gắn kết hai vợ chồng Thủy.

Thủy thú thực, chưa từng nghĩ đến ly hôn. Nhưng hỏi Thủy có hạnh phúc với hôn nhân không thì cô sẽ nói là “không chắc”. 5 năm sống chung nhà, Thủy vẫn không thể hợp với chồng. Mỗi khi vợ chồng định làm một việc gì, chồng Thủy cứ lò dò cân nhắc, trăn trở tới mất ngủ. Nhà ở đã cũ, Thủy muốn gọi thợ vào sửa sang nhưng anh thì… lười, bảo sửa nhà thì bẩn thỉu, phức tạp lắm. Thôi thì cứ ở tạm thế, đợi lúc nào có tiền thì xây mới một thể. Thủy thở dài, với thu nhập của vợ chồng cô, đợi tới ngày đó còn lâu. Thi thoảng, Thủy muốn đưa chồng con ra ngoài chơi, ăn hàng cho thay đổi không khí. Nhưng, lôi được chồng ra khỏi nhà quả là vô cùng khó. Anh chả muốn đi đâu, lấy đủ lý do nào thì đi làm gì ở ngoài bụi bặm, ăn nhà hàng vừa đắt mà lại mất vệ sinh, ăn cơm nhà cho đỡ tốn kém…

Tóm lại, Thủy và chồng lúc nào cũng như hai đầu của cục nam châm. Họ cứ sống lặng lẽ kiểu như hai con người không thân, không sơ có chung với nhau một mụn con.

Hình ảnh minh họa
10 năm kết hôn, “lỗ toàn tập”, chỉ “lãi” đúng đứa con

Đó là suy nghĩ của Hải Chi, hiện kinh doanh online tại gia ở Hà Nội. Cũng từng trong cảnh kết hôn với một người mà “bố mẹ ưng còn mình thì chưa yêu”, Hải Chi luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Giá như ngày trước mình tìm đúng người rồi mới kết hôn thì sẽ như thế nào? Nhưng điều đó là không thể.

Niềm an ủi duy nhất của Hải Chi chỉ là đứa con kháu khỉnh, bụ bẫm, có “nguồn gốc rõ ràng”. Tên bố đứa trẻ được ghi rành mạch trong giấy khai sinh chứ không phải con của mẹ đơn thân.

Còn lại, Hải Chi thấy, trong hôn nhân, rõ ràng cô là người đi buôn bị “lỗ toàn tập”. Cô kỳ vọng ở người bạn đời nhiều hơn nhưng chồng cô chỉ đáp ứng được một vài điểm trong số đó. Vì chán, nên Hải Chi cũng chẳng buồn vun đắp cho hôn nhân. Cô dành hết sự quan tâm, niềm yêu thương cho con mình. Cô lấy cớ con nhỏ để dọn hẳn sang phòng con, để chồng một mình trong phòng ngủ. Tiếng là vợ chồng nhưng mỗi người cứ mải miết với thế giới của riêng mình. Hải Chi tâm sự: Nếu bây giờ cô phát hiện anh có bồ, chắc cô cũng chẳng buồn bởi từ trước đến nay, cô chưa từng có ý định giữ chồng. Cô chỉ cảm ơn nhờ có anh mà mình được làm mẹ vì cô không đủ dũng cảm để đóng vai bà mẹ đơn thân, tự sinh, tự nuôi con.

Ngày trước, Hải Chi cứ nghĩ phụ nữ có sự nghiệp, có gia đình với chồng, con là được. Nhưng giờ, cô mới thấy, gia đình đúng nghĩa cần nhiều nghĩa hơn là một tấm chồng và những đứa con.

Vậy nếu hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến việc “trót trao”, “trót cưới” hay “trót có con”, mỗi người hãy tự đặt câu hỏi người kia và mình cần hành xử như thế nào? Bản thân cần thay đổi ra sao? Người kia mong đợi và sẵn sàng cùng mình gây dựng hạnh phúc thuở đầu và sau này ở mức độ nào… để “lên kế hoạch hôn nhân bù đắp lại “quyết định cưới cho xong” nhằm cải thiện hạnh phúc gia đình. Việc nhìn nhận lại mối quan hệ hôn nhân giúp bản thân mỗi thành viên nghiêm túc hơn trong việc sống cùng nhau, sống với mối quan hệ họ hàng, sống với trách nhiệm cùng sinh và nuôi dưỡng một đứa trẻ nên người ít sai lầm hơn.

Lời bình của chuyên gia:

Đọc hai câu chuyện trên có thể thấy “lấy chồng cho xong” là quyết định thiếu thấu đáo, không lường trước hậu quả khi gắn kết bản thân với một “mảnh ghép” mà chính mình còn không biết sẽ ra sao, có hợp ý nhau và hạnh phúc hay không? Hầu hết các trường hợp thường được tiên lượng sẽ “chẳng đâu vào đâu”. Bởi, thiếu những bước chuẩn bị cần thiết, thiếu lý do, dữ kiện cho việc kết đôi, kết hôn và duy trì đời sống hôn nhân, chứ chưa bàn tới thương nhau, vì nhau, thỏa nguyện và hạnh phúc.

Với nền tảng, “nhắm mắt cưới đại” thì người ta cũng dễ dàng “sống đại”, “đẻ đại”, và cùng “chăm con đại khái”. Thật khó để những người thiếu tìm hiểu, thiếu tình yêu, thiếu điểm chung, thiếu đồng cảm sẽ đủ kiên nhẫn để phối hợp ăn ý trong việc nuôi dạy con cái. Chuyện chăn gối, chuyện sự nghiệp, chuyện sửa nhà cửa, đi du lịch cùng nhau đã rất khó có tiếng nói chung thì “kết tinh tình yêu” là một đứa trẻ – liệu có thể được giáo dục hiệu quả? Thực tế, khi tác động giáo dục gia đình thiếu thống nhất, mâu thuẫn và “không ai chịu ai” thường để lại hậu quả nghiêm trọng trong nhận thức, hành động và tinh thần của con cái. Con cái có thể được nuôi dậy tương đối tốt bởi sự hy sinh của một trong hai cha/mẹ, bởi sự “giao kèo” của cả cha lẫn mẹ, nhưng chưa bao giờ đủ đầy, toàn diện như cách các cặp vợ chồng đến với nhau vì tình yêu.

Theo Tầm nhìn

Xem thêm:

Nên đọc