“Chồng như thế vẫn còn tốt chán!”
Phunuduongthoi.vn – Chiều tối, Ánh bước vào nhà trong tâm trạng mệt mỏi. Hôm nay, dù cô đã ký được hợp đồng mới có giá trị cao cho công ty, nhưng cũng chính cái hợp đồng này khiến cô sức cùng lực kiệt. Ánh thấy lòng trĩu nặng vì áp lực kiếm tiền.
Bước vào nhà, Ánh thấy chồng đang tiếp khách, là vợ chồng bác hàng xóm mới chuyển đến sang chơi. Có vẻ như bác hàng xóm mang ít hoa quả sang chuyện trò, làm quen. Thấy Ánh bước vào, bác hàng xóm cũng chủ động đứng dậy chào rồi ra về luôn. Nhưng liền sau đó, Hưng – chồng Ánh gọi với: “Bác chờ em tí!”. Rồi anh đi vào mở tủ lạnh, lấy một hộp bắp bò ngâm mắm biếu bác hàng xóm. Hai người đàn ông ríu rít cười, còn Ánh thì đanh mặt lại.
– Anh như thế là hoang phí rồi đấy! Người ta đang làm quen mình, cần thiết gì mà mình phải biếu lại nhiều như thế. Một hộp thịt đấy tính ra cả đôi ba trăm chứ ít à? Hay là anh không kiếm ra tiền nên nghĩ nó bé, nó không đáng?
Hưng thấy vợ nóng cũng không nói lại nhiều, chỉ bảo: “Anh biết rồi, vợ đi tắm rửa đi, cơm nước anh nấu xong hết cả rồi!”.
Thực tế cho thấy Hưng làm rất tốt vai trò nội trợ. Anh dậy sớm, chợ búa, nấu đồ ăn sáng, lau dọn nhà cửa và chuẩn bị cho vợ con đi học, đi làm, đảm đang không kém gì một người phụ nữ. Hai đứa con vào tay bố chăm, cứ lớn phổng phao, chẳng ốm đau gì, thi thoảng ho vặt, sốt nhẹ thì ngay lập tức đã có mấy bài thuốc Nam từ vườn cây thuốc bố trồng, hoặc các món ăn bổ dưỡng bố nấu là khỏi. Vợ đi làm về mệt, lười ăn cơm thì chồng nấu ngay nồi cháo, hoặc súp. Các món ăn trong nhà được thay đổi liên tục, hoa tươi luôn được cắm, sân vườn lúc nào cũng sạch sẽ…
Ấy thế nhưng, chẳng có gì trên đời là hoàn hảo cả. Trong mắt Ánh, như thế chưa đủ để Hưng trở thành một người chồng hoàn hảo. Bởi áp lực kiếm tiền ngày một đè nặng lên cô, điều đó cũng khiến cô càng ngày càng coi trọng đồng tiền. Sự coi trọng ấy len lỏi vào những mâm cơm nhà do chồng cô nấu, khiến cô thưởng thức nó không còn với sự vô tư, hạnh phúc như năm nào. Hàng tháng, Ánh đưa cho chồng một khoản tiền để anh chi tiêu việc nhà. Ban đầu, chuyện ấy hết sức bình thường, nhưng rồi nó dần biến thành sự coi thường. Tới nỗi, có những thời điểm vật giá leo thang, cô vẫn chỉ đưa từng đó tiền. Hoặc, có lúc cô ngầm cắt khoản này nọ, với suy nghĩ, để chồng không có cơ hội được cà phê với bạn bè hay giải trí riêng.
Hưng đối mặt với tất cả những điều đó của vợ bằng sự bình thản, nhưng không có nghĩa là anh không xáo động trong lòng. Anh biết, đến cả xã hội này, thậm chí riêng cái khu dân cư này còn chưa quen với việc có ông chồng thay vì sáng sáng quần là áo lượt, bước lên xe ôtô đi làm thì lại quần đùi, áo thun xách làn đi chợ. Về nhà thì chỉ thấy tưới cây, quét nhà quét sân, nhặt rau rửa bát… Hoặc như nhà người ta, các đợt quyên góp, ủng hộ, hội hè của tổ dân phố, toàn thấy vợ đi, còn nhà này thì cấm thấy bóng vợ bao giờ. Thế nên, anh cũng không quá mong chờ việc vợ mình sẽ thấu hiểu.
Nhưng cách vợ vô tình xúc phạm anh như thế cũng khiến anh buồn lòng. Nhất là khi, có những hôm cuối tuần, anh muốn nấu cho cả nhà một bữa thịnh soạn, hay một món Tây mà anh mới học được, định rủ vợ đi siêu thị mua đồ thì Ánh lại nguýt dài: “Anh lại hết tiền chứ gì?”. Nếu vợ không đi cùng, anh ngỏ ý muốn đi ôtô để tiện chở đồ, thì cô lại xỏ xiên kiểu khác: “Xe anh lại hết xăng à?”. Hay có đợt Ánh đi công tác, đưa thẻ ATM cho Hưng cầm để tiện xoay xở việc nhà. Mới đi được nửa thời gian cô đã gọi điện về “mắng” chồng: “anh vừa mua cái áo 800 nghìn tuần trước, giờ lại mua tiếp cái 500 nghìn, anh có biết thương vợ nai lưng ra kiếm từng đồng không hả?”. Cả hai chiếc áo ấy, Hưng đều không mặc lấy một lần, cất gọn vào góc tủ.
Các con được nghỉ hè, Ánh quyết định cho cả hai đứa đi trại hè, để xem khi bố nó toàn thời gian rảnh thì có tỉnh ra rồi đi làm trở lại hay không? 3 tuần lũ trẻ đi vắng, Hưng vẫn lặp lại vòng quay cũ, chỉ thi thoảng mở máy tính ra rồi làm gì đó. Ánh rất bực, rất thất vọng.
Cô đã soạn sẵn đơn ly hôn. 3 tuần trôi qua, hai đứa trẻ đi trại hè về, Ánh nhận được nhận xét của giáo viên phụ trách, rằng các con có kỹ năng sống rất tuyệt vời. Từ việc nhận biết chỗ nào nguy hiểm, cách phòng cháy chữa cháy, kỹ năng sơ cứu khi bị đứt tay… hay tự chăm sóc bản thân, thậm chí nấu một vài món cơ bản…, các con đều làm rất tự tin, thuần thục. Ánh nghe mà mát lòng, nhưng rồi cô nhận ra, những điều này, chắc gì con đã được học ở trường chứ. Lũ trẻ bây giờ khác gì gà công nghiệp đâu? Trong khi Ánh quá bận, làm gì có thời gian mà dạy con những điều ấy! Chẳng lẽ…
Ánh hỏi con, “hai đứa học ở đâu những điều đó thế?”. Cả hai chỉ vào ông bố đang lúi húi làm sữa chua cho con trong bếp. “Toàn bố dạy thôi mẹ ơi, bố siêu lắm, cái gì cũng biết luôn ấy!”. Ánh sững người. Một người đàn ông quanh năm chỉ biết 4 bức tường và cái bếp cũng biết được những kỹ năng mềm để dạy con sao?
Rồi Ánh nghĩ lại, chồng cô có thể không kiếm ra tiền, nhưng lại làm được điều mà người kiếm ra tiền như cô không làm được. Có lẽ, lúc chồng Ánh không hiểu hết được áp lực kiếm tiền của vợ thì chính Ánh cũng chưa tường tận hết những gì chồng làm cho gia đình này. Chính anh đang giữ gìn mái ấm này để cô yên tâm làm việc đấy chứ? Chồng như thế, là vẫn còn tốt chán, Ánh ơi!