Phụ huynh cẩn trọng với bệnh viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng ở trẻ em

Phunuduongthoi.vn – Hai bé trai là anh em họ tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vừa phải nhập viện điều trị khi bị viêm cầu thận cấp sau khi bị nhiễm liên cầu trùng. Từ đó, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý các biểu hiện bất thường ở trẻ sau đợt viêm họng hoặc nhiễm trùng da…

Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức cho biết, đơn vị vừa liên tiếp tiếp nhận một số trường hợp trẻ nhập viện vì phù toàn thân.

Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ tại BV đã phát hiện các bệnh nhi này mắc viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng.

Trẻ bị phù toàn thân vì hậu nhiễm liên cầu trùng – ảnh: BVCC.

Đầu tiên là bé L.Q.H (10 tuổi) ban đầu xuất hiện sốt cao, đau họng và được điều trị tại phòng khám tư. Dù hết sốt sau một tuần, bé bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, nặng mi mắt và tiểu ít, nước tiểu hồng nhưng không nói với người lớn.

Khi được đưa đến BV, các bác sĩ ghi nhận tình trạng phù nhẹ quanh mắt và huyết áp tăng cao. Kết quả xét nghiệm xác nhận bé bị viêm cầu thận cấp và được chỉ định nhập viện.

Không lâu sau đó, anh họ của bé H. là bé L.H.K. (13 tuổi) cũng xuất hiện tình trạng mệt mỏi, sưng chân và huyết áp cao. Khi gia đình đưa đi khám và bé cũng được chẩn đoán mắc viêm cầu thận cấp tương tự.

Tại BV, các sĩ nhanh chóng kiểm soát huyết áp, điều chỉnh chế độ chăm sóc và theo dõi sát.

Rất may, cả hai bệnh nhi đều được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện, sức khỏe hai bé ổn định, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi định kỳ để đảm bảo chức năng thận phục hồi hoàn toàn.

Được biết, cả hai bé trai này là anh em họ, cùng sống tại TP Thủ Đức và thường xuyên chơi cùng nhau.

Bác sĩ Phạm Hoàng Anh Khoa – khoa Nhi, BV TP Thủ Đức cho biết, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cầu thận ở trẻ em.

Bệnh thường xuất hiện sau khi trẻ bị viêm họng 1 – 3 tuần hoặc sau nhiễm trùng da 3 – 6 tuần do liên cầu tan huyết beta nhóm A.

Cũng theo bác sĩ Khoa, các triệu chứng đặc trưng bao gồm nước tiểu màu đỏ hoặc nâu (tiểu máu), tiểu đạm, tiểu ít, phù quanh mắt và tăng huyết áp.

Trong nhiều trường hợp, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng, trẻ có thể khỏi trong vòng 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nặng như suy thận cấp, suy tim, phù phổi, co giật, thậm chí không qua khỏi” – bác sĩ Khoa cho biết.

Qua các trường hợp điển hình nêu trên, bác sĩ Khoa khuyến cáo, phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biểu hiện bất thường ở trẻ sau đợt viêm họng hoặc nhiễm trùng da.

Khi thấy trẻ phù, tiểu ít hoặc nước tiểu đổi màu, nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, cần điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm khuẩn ban đầu để ngăn ngừa biến chứng viêm cầu thận cấp” – Bác sĩ Phạm Hoàng Anh  Khoa khuyến cáo.

Theo Phạm Sinh / Tạp chí điện tử Gia Đình Mới

Xem thêm:

Nên đọc