“Ly hôn đi, về nhà mẹ nuôi…”

Phunuduongthoi.vn –  “Hôm nay, chồng con ký vào đơn ly hôn rồi, anh ấy cũng cầm luôn đơn bảo ngày mai trực tiếp gửi lên tòa. Mẹ lên đón con về bên nhà nhé!”- bà nghe con gái nói xong thì hốt hoảng, chẳng nhẽ vợ chồng nó ly hôn thật sao?”

Cô con gái “trứng mỏng”

Hoài là đứa con gái mà bà Cúc xem như “trứng mỏng” từ lúc sinh ra cho tới khi con đi lấy chồng. Lúc nào trong tâm trí bà cũng bật sẵn chế độ bảo vệ, cưng chiều con gái. Vợ chồng bà Cúc sinh đôi lần đầu được hai con trai. Ban đầu, họ cũng nghĩ dừng lại ở hai con để chăm sóc nuôi dạy con cho tốt. Nhưng sau đó vì thèm có cô con gái cho tình cảm nên hai vợ chồng bàn nhau sinh thêm lần nữa. Hoài ra đời như một sự cầu được ước thấy của bà Cúc nên được cưng chiều từ lúc sinh ra. Những ngày Hoài còn nhỏ, cô là “trung tâm vũ trụ” của cả nhà. Hai anh trai hễ trêu chọc em gái, hoặc làm cho em không vừa lòng là thế nào cũng bị ăn đòn của mẹ.

Ảnh minh họa

Hoài đến tuổi yêu đương, mỗi lần có chàng trai nào đến tìm hiểu con gái, bà cũng đặt tiêu chí người đó phải chiều chuộng, yêu vợ đúng như cái cách bà yêu con gái. Nhiều chàng trai đã không qua được yêu cầu của bà, chấp nhận rút lui từ “vòng gửi xe”. Chỉ có Đạt là yêu Hoài đắm đuối nên dù bà Cúc đòi hỏi, yêu cầu gì anh cũng đáp ứng và hứa hẹn để cưới được Hoài về làm vợ. Thậm chí, anh bảo nếu bà Cúc yêu cầu anh ở rể thì anh cũng chấp nhận. Đó là điều mà bà ưng nhất ở cậu con rể này.

Khi con gái lấy chồng, bà Cúc cũng đã từng nghĩ đến chuyện chọn người ở rể vì không muốn con gái mình đi làm dâu, chịu khổ cực trăm bề. Tuy nhiên, vì điều kiện không cho phép, nhà có hai con trai, một đứa đã lấy vợ về đang sống cùng với bố mẹ, một đứa cũng một, hai năm nữa cưới. Cả hai đều không có tiềm lực kinh tế ra ngoài mua nhà sống riêng nên vẫn mong muốn sống chung với bố mẹ. Do đó, việc con gái lấy chồng về ở rể trong nhà không thể thực hiện được.

Ảnh minh họa
Hôn nhân đổ vỡ vì… mẹ

Hoài cưới xong, bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm thế của một người vợ được cưng chiều hết mực. Thời gian đầu sống trong cảnh “trăng mật”, Đạt cũng yêu chiều vợ, đáp ứng mọi thứ cô cần. Thế nhưng, qua thời kỳ đó, Đạt muốn Hoài giống như bao người vợ khác, biết quan tâm chồng, quán xuyến việc nhà, chăm sóc, vun vén cho tổ ấm của mình. Tuy nhiên, mọi kỳ vọng của anh sụp đổ khi mẹ vợ luôn nhắc lại cam kết trước đây, rằng phải đảm bảo cho Hoài cuộc sống sung sướng như ý.

Đạt muốn giữ lời hứa với mẹ vợ nhưng anh không thể đi ngược lại nếp sống của gia đình mình. Đó là con dâu phải có trách nhiệm với bố mẹ chồng, biết lo lắng với các công việc của nhà chồng, Hoài không thể đứng ngoài trách nhiệm đó. Tuy nhiên, dù  Đạt nỗ lực thế nào, Hoài cũng chẳng muốn thực hiện trách nhiệm. Hễ bố mẹ chồng giao việc gì là cô cũng kêu khó và bảo chồng về bên đó giải quyết, nếu không thì thuê người đến làm hộ. Bố mẹ chồng vì thế mà ngày càng không ưa cô con dâu lười biếng, sống thiếu trách nhiệm này.

Ảnh minh họa

Đạt nhẫn nhịn cho êm ấm nhà cửa, nhưng nhịn mãi rồi cũng bung ra, cộng thêm sự phàn nàn chê trách từ bố mẹ, anh càng tỏ thái độ với vợ nhiều hơn. Mâu thuẫn vợ chồng cứ thế nảy sinh, lần nào Hoài cũng lặp lại sự thách thức “sống không được với nhau thì ly hôn”. Trong thâm tâm bà Cúc nghĩ, chuyện ly hôn nói ra là để “dọa con rể”. Bà biết, Đạt yêu Hoài, luôn sợ mất cô nên cứ nói đến chuyện ly hôn là lập tức chịu thua, nhún nhường vợ mọi thứ. Lâu nay, bà chưa một lần nghĩ đến chuyện Hoài ly hôn thật thì sẽ thế nào.

Ai ngờ, cái ngày đó cũng đến, Đạt ký vào lá đơn ly hôn mà lần nào cãi nhau Hoài cũng đưa ra “dọa chồng”. Hoài thì vẫn ngây thơ cho rằng ly hôn chồng cũng chẳng sao vì mẹ lúc nào cũng đảm bảo: “Ly hôn rồi về mẹ nuôi”. Ngày hai vợ chồng Hoài ra tòa ly hôn, bà đứng ngồi không yên. Đạt chẳng muốn níu kéo cuộc hôn nhân vốn dĩ lúc nào cũng bị mẹ vợ nhồi nhét tư tưởng sống không được thì bỏ nhau ấy. Gia đình anh biết chuyện anh ly hôn cũng ủng hộ, họ nghĩ Đạt lấy vợ mới chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn khi sống với Hoài.

Chuyện con gái ly hôn, ban đầu bà còn “làm cao”, bảo sống với “loại chồng” như thế thà bỏ đi còn hơn. Nhưng từ ngày con gái chuyển về sống chung nhà, mâu thuẫn chị dâu em chồng nảy sinh, nếp nhà bà không còn yên ổn. Con dâu cả của bà việc gì cũng đến tay trong khi con gái bà thì ngồi chỉ tay năm ngón. Một vài lần cãi nhau, con dâu cả bóng gió bảo mẹ chồng dạy hư con gái nên mới dẫn tới ly hôn về nhà mẹ đẻ sống. Hàng xóm cũng bắt đầu chê bai cách bà chiều hư con gái, khiến Hoài đi lấy chồng mà vẫn “chẳng biết đường ăn ở”. Âu cũng là “con hư tại mẹ”… Chồng bà quay ra đổ lỗi cho vợ gây mâu thuẫn nội bộ trong gia đình chỉ vì cô con gái cưng chiều hết mực đó.

Hoài nhận thấy từ ngày ly hôn, cuộc sống của cô thay đổi, chẳng giống như trước. Lời đảm bảo trước đây của mẹ rằng “ly hôn rồi về nhà mẹ nuôi” cũng chẳng có tác dụng. Bởi bà Cúc không còn là người quản lý kinh tế gia đình như trước. Bây giờ, con trai đi làm về thay vì đưa lương cho bà thì lại đưa cho vợ. Mỗi tháng, nó chỉ biếu bà một ít chi tiêu thêm. Trách nhiệm đóng góp tiền sinh hoạt trong nhà, vợ chồng con trai cũng rành mạch, rõ ràng khiến bà chẳng dư giả đồng nào mà bao cấp cho con gái như lâu nay. Hoài giận mẹ chẳng nuôi nổi cô mà lại “xúi” cô ly hôn, để bây giờ cuộc sống của cô tù túng, va chạm với nhiều người trong gia đình. Hờn giận mẹ chán chê, Hoài quay sang đổ lỗi cho bà khiến hôn nhân của mình lỡ dở.

Mỗi ngày, nhìn con gái mặt mày ủ ê khi đi làm về, ai nói tới là xù lên gắt gỏng, bà Cúc thấy đau lòng. Bước tới hôn nhân một lần nữa, Hoài không nghĩ tới vì tâm lý “chim sợ cành cong” khi đổ vỡ một lần; mà sống dựa vào bố mẹ thì chẳng thể bền lâu. Bởi suy cho cùng ông bà còn sống được bao lâu để bảo bọc cho Hoài?

Theo Phụ nữ Thủ đô

Xem thêm:

Nên đọc