Bé gái 5 tuổi tử vong vì học theo trò treo cổ trên YouTube. Làm sao để quản lý khi con trẻ xem tivi, iPad?
Phunuduongthoi.vn – Thiết bị điện tử đôi khi còn ẩn chứa nhiều nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ . Do vậy thay vì cấm đoán hay hạn chế, hãy dạy con cách quản lý và sử dụng điện thoại, tivi, máy tính… một cách khoa học và hợp lý.
Những ngày qua, thông tin bé gái 5 tuổi tên V.T.D ở TP.HCM tử vong vì học theo trò treo cổ trên YouTube đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận đặc biệt là với những gia đình có con nhỏ.
Theo chia sẻ của chị Ngô Nguyệt – dì ruột của cháu D. thì sự việc xảy ra vào chiều ngày 12/10 vừa qua. Sau ít phút không để ý, cả nhà tá hỏa phát hiện cháu bất tỉnh trong tư thế treo cổ. Mặc dù gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. không qua khỏi, tử vong lúc 18h10 phút cùng ngày.
Chị Ngô Nguyệt chia sẻ thêm, cháu D. đang đi học mẫu giáo nhưng hôm xảy ra sự việc thì cháu nghỉ học ở nhà với ông bà ngoại, bố mẹ và các dì đều đi làm hết. Trong nhà còn có 2 cháu bé nữa nhưng hôm đó cũng đều đi học hết.
Bình thường D. cùng hai cháu còn lại hay xem YoTube cùng nhau. Vì tivi của gia đình có kết nối Internet nên có thể bật YouTube trên tivi, các cháu thường hay tự bật và xem cùng nhau.
“Mọi người trong nhà cũng không quá để ý việc các cháu xem gì, thường thì các cháu xem nhiều kênh khác nhau nhưng mình thấy các cháu hay xem kênh Heo Peppa. Ban ngày các cháu đi học, chiều tối về thì xem nhưng cũng không được xem nhiều, phần vì gia đình không muốn cho các cháu xem nhiều, thấy bật lên xem là mọi người bắt tắt đi. Phần vì các cháu phải trả tivi cho ông ngoại còn xem chương trình thời sự. Mỗi ngày các cháu thường xem khoảng 30 phút thôi” – chị Nguyệt cho hay.
Nói về cháu gái xấu số, chị Nguyệt chia sẻ D. là cô bé rất ngoan ngoãn, thông minh và lễ phép, trước khi xảy ra sự việc cháu cũng không có biểu hiện tâm lý bất thường gì.
Tuy nhiên có một vấn đề được chị Nguyệt tiết lộ là cháu D. đã vài lần chơi trò treo cổ, mọi người trong nhà có nhìn thấy và quát cháu: “Lần gần nhất là cách đây nửa tháng cháu có chơi, nhưng dì của cháu (một người dì khác không phải chị Nguyệt – PV) đã nhìn thấy và mắng: ‘Ai cho nghịch như vậy, ai bày trò như vậy?’. Nghe dì mắng thì cháu không nghịch nữa và đi sang phòng khác chơi”.
Theo chị Nguyệt, D. là một cháu bé bình thường, luôn vui tươi, được mọi người trong nhà yêu thương, không có bất thường về tâm lý nên việc cháu nhiều lần chơi trò treo cổ khả năng lớn là do học theo trên YouTube.
Thực tế, đã có không ít trường hợp các cháu bé gặp nguy hiểm do học theo những hành động trên YouTube. Tháng 11/2019, một cháu bé 7 tuổi (ngụ tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã bị hôn mê vì làm trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” như trên YouTube.
Cháu bé này đã dùng khăn quàng buộc lên dây phơi đồ rồi treo cổ. Lúc gia đình phát hiện thì hai chân cháu cách mặt đất 20cm, mặt, môi tím, đi tiểu không tự chủ và hôn mê. Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cháu bé đã may mắn qua khỏi. Khi tỉnh dậy, gia đình hỏi vì sao lại làm như vậy thì cháu bé hồn nhiên trả lời rằng, cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.
Hay một cháu bé khác cũng bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính giống như siêu nhân người nhện.
Thực tế, có nhiều gia đình cho con xem YouTube nhưng không để ý con mình xem gì, bản thân bố mẹ cũng không nghĩ rằng trên đó lại có những nội dung có thể khiến bé học theo gây nguy hiểm tính mạng như vậy. Nhưng sự thật đã có những câu chuyện thương tâm như của cháu D. xảy ra. Chính vì vậy, bố mẹ hãy một lần nghiêm túc xem lại những chương trình mà con cái vẫn thường xem, chọn lọc những chương trình phù hợp đồng thời phân bổ thời lượng hợp lý để các bé không bị nghiện, phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại, máy tính bảng, tivi và có cơ hội học theo nội dung độc hại.
Cách để cùng con quản lý thời gian và nội dung trên internet
- Cách 1
Có thể cho phép con được sử dụng điện thoại hoặc iPad mỗi ngày vào một khung giờ nhất định (trước bữa ăn tối) và trong khoảng thời gian nhất định (tối đa 15 phút). Trong khoảng thời gian đó, con có thể tự lựa chọn xem một số chương trình mà con yêu thích, tự lấy iPad ra để sử dụng, thậm chí tự bấm giờ và khi đồng hồ đếm ngược kêu, con sẽ tự tắt đồng hồ và cất iPad đi.
Thói quen này được hình thành từ khi con bắt đầu xem một số chương trình ca nhạc cho trẻ nhỏ (khoảng từ 2 tuổi rưỡi) mỗi ngày, đều đặn được lặp đi lặp lại theo một tiến trình: bật nhạc, bấm đồng hồ, đồng hồ kêu, tắt nhạc.
- Cách 2
Bạn có thể in hình đại diện một số chương trình con yêu thích ra các tấm card (bảy tấm card/tuần) và cho phép con chọn lựa mỗi ngày một chương trình để có thể xem trong thời gian quy định.
Nếu ngày hôm đó con đã xem (đã chọn tấm card) mà vẫn muốn xem tiếp thì ngày hôm sau con sẽ không còn card để có thể chọn được nữa. Cha mẹ hoàn toàn có thể đưa ra các giới hạn trong mỗi tấm card như là thời gian xem (15-30 phút/ngày tùy độ tuổi), khung giờ xem (sau giờ ăn, sau khi đi học về…).
Và nên nhớ rằng đừng sử dụng những tấm card này để làm phần thưởng (thi thoảng bạn có thể tự thưởng thêm cho con để khích lệ, nhưng không sử dụng nó trở thành mục tiêu/mục đích cho một cố gắng nào đó của con).
Công nghệ không phải không có những lợi ích. Đơn giản là bạn giúp con nhớ được mình đã xem bao nhiêu, xem những gì và quản lý như thế nào. Cũng đừng sử dụng các tấm card này làm hình phạt, khi con không ngoan thì sẽ phải nhận hình phạt không có card. Đó chỉ là công cụ để con điều chỉnh thời gian sử dụng thiết bị điện tử mà thôi.
Cần thiết lập ngay cho con những nội dung tốt, bổ ích
Mạng internet là một thế giới rộng lớn, ngay từ đầu cha mẹ cần hướng cho con các website có nội dung tốt, các website tin tức phù hợp lứa tuổi, các website học tiếng Anh, xem phim hoạt hình… Cha mẹ có thể lên list danh sách để ở bàn cho con truy cập. Việc không có định hướng sẽ khiến con trẻ tự khám phá và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Theo Pháp luật và Bạn đọc
Xem thêm: