Xót lòng trước cảnh những đứa trẻ vắng mẹ mùa Covid-19
Phunuduongthoi.vn – Bố mẹ làm nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến, bé Phương Nhung, 12 tuổi, lần đầu tiên tự lập chăm em trai 5 tuổi và đàn chó, gà.
Bé Nhung ngáp một cái rồi ngước nhìn đồng hồ. Đã 11 giờ đêm mà bố mẹ chưa về. Em nó, cậu bé 5 tuổi Đức Đạt hết trò nghịch, chán nản lăn lộn trên giường.
Bằng giờ mọi hôm hai chị em đã đi ngủ nhưng đầu tối, mẹ và bố chạy sang bệnh viện ở ngay bên kia đường, đối diện với cửa nhà. Trước lúc đi mẹ dặn: “Từ mai bệnh viện chuyển sang chữa bệnh nhân Covid-19. Bố mẹ đi chuẩn bị. Nếu mẹ về muộn thì hai chị em ngủ trước”.
Chuyện bố mẹ đi trực, chúng đã quen nên chẳng đứa nào nghĩ gì. Cả tối chúng nghịch đủ trò, mà không biết những ngày “bão táp” đã đến.
Cũng trong tối hôm 19/5 đó, trong bệnh viện bố mẹ của hai đứa nhỏ, điều dưỡng Thân Thị Hiền và bác sĩ Phan Văn Tiến cùng hơn 200 nhân viên của bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Giang tốc lực sắp xếp lại các khoa phòng để biến nơi đây thành bệnh viện dã chiến. Cả tối đó, đầu chị chỉ quanh quẩn câu hỏi duy nhất: Ngày mai biết gửi con đi đâu? Gần nửa đêm, chị gọi về cho bà ngoại ở xã Hồng Thái, huyện Việt Yên hỏi: “Mẹ có cách nào đón hai đứa về quê cho con không?”.
Xã Hồng Thái nằm trong vùng dịch lớn nhất của Bắc Giang, bị phong tỏa từ tối 15/5, tất cả họ hàng nội ngoại đều không thể ra ngoài, nên ngay khi vừa cất lời nữ điều dưỡng đã biết câu hỏi của mình là vô nghĩa.
Tắt máy, Hiền òa lên. Một đồng nghiệp thấy vậy bảo cứ gửi đến nhà chị vì có chồng, cùng con gái lớp 12 ở nhà. Chẳng còn lựa chọn nào khác, chị Hiền về nhà bảo với con. “Bố mẹ phải đi chống dịch. Hai chị em lên nhà bác Hạnh, chơi với chị Hồng một thời gian”. Nghe vậy, Nhung và Đạt tỉnh cả ngủ, đồng thanh: “Con không đi đâu”. Kế hoạch soạn đồ đi trong đêm bất thành.
Sớm hôm sau, chị gọi hai đứa dậy, nhắc lại kế hoạch buổi tối. Nhung biết không thể thay đổi được nên hợp tác. Riêng Đạt thì không nghe vì chưa từng xa mẹ hay bố một đêm. Kéo được thằng bé ra khỏi cổng là một cuộc đánh vật. Leo lên xe máy, hai chị em liên tục ngoái lại nhìn nhà. “Tạm biệt nhà thân yêu nhé”, chúng nói.
Giây phút thả hai đứa xuống, chị Hiền nịnh: “Mẹ phải làm đi làm nhiệm vụ. Xong việc mẹ sẽ về đón. Con nghe lời chị Nhung, mẹ về sẽ mua siêu nhân cho con”. Đạt mếu máo bắt mẹ hứa “mai về đón con”.
Ngày đầu trong bệnh viện dã chiến, việc nhiều tới mức chị Hiền cảm tưởng “không còn thời gian để thở”. Anh Tiến ở trong khu điều trị bệnh nhân dương tính, cũng “không có thời gian để ngóc đầu lên”.
Đó cũng là ngày vật lộn của Nhung để chăm em. Đạt không chịu chơi, không ăn và không ngủ. Nhung hết nịnh, dỗ, đến cáu, nhưng chỉ khiến em trai càng khó bảo. Đang quen nếp sinh hoạt ở nhà mình, nay đến môi trường lạ lẫm, Nhung cũng không quen.
Cuộc gọi của người mẹ cho hai đứa con lúc gần 12h đêm. Đạt khóc nấc: “Sao mẹ nói dối con?”. Bao uất ức dồn nén cả một ngày khiến Nhung cũng òa khóc. Đêm hôm đó, mắt hai chị em sưng húp, lờ đờ mãi không ngủ. Còn mẹ chúng, cũng thức trắng.
Sang ngày thứ hai, thằng bé mệt, nên càng gắt gỏng. Không ưng chị cái gì nó cào cắn. Có lần dỗ mãi mà em không chịu ăn, Nhung quát thì bị thằng bé cắn vào tay, in rõ bốn dấu răng. “Lúc đó con tức muốn đánh Bin lắm, mà nhìn em mệt, con bỏ qua”, Nhung bảo với mẹ. Đêm thứ hai cũng tương tự, cu cậu vẫn đòi mẹ không ngủ. Chị Hiền chỉ dám gọi video vài phút rồi chuyển sang nhắn tin với con gái, vì sợ “mình càng yếu lòng, sẽ càng khổ con”.
Sang ngày thứ ba, cô của hai bé, đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, xin được ra ngoài đón cháu về nhà, định cho chơi một lúc rồi chiều mang gửi. Nhưng về nhà mình, hai đứa không chịu đi nữa. Nhung bảo mẹ: “Em về nhà ngoan hơn, dễ chăm hơn. Mẹ cho chúng con ở nhà, con hứa sẽ chăm được em”.
Đối mặt với muôn vàn nỗi lo điện đóm, cháy nổ, trộm cướp… vợ chồng chị Hiền vẫn phải chấp nhận để hai đứa nhỏ ở nhà một mình.
Phương Nhung bình thường chỉ biết cắm cơm, quét nhà, phơi quần áo, thế mà giờ nó làm hết mọi việc. Hôm đầu con bé nấu cơm hơi nát nhưng Đạt vẫn ăn ngấu nghiến. Sang hôm thứ hai, nó khoe cơm cắm chuẩn và còn làm được chả lá lốt, nấu được cả canh nhờ “nhớ lại cách mẹ làm”. “Con băm thịt sưng cả ngón tay”, con bé nhắn.
9h tối hôm qua, Nhung vẫn chưa được ăn cơm. Lúc mẹ hỏi tại sao, nó than: “Con cho chó, gà ăn, tắm cho Bin, lau nhà, rồi tẹo còn phải tắm, giặt quần áo nữa. Đấy sung sướng gì đâu. Cứ vừa làm vừa giục em ăn”.
Từ ngày vắng bố mẹ, lịch sinh hoạt của hai chị em đảo lộn. Chúng thường ngủ sau 12 giờ đêm và 10 giờ trưa mới dậy. Thay vì ăn ba bữa, Nhung nấu một bữa ăn cả ngày. Nghe lời bố mẹ, chúng đóng cửa ở trong nhà vì “sợ Covid-19 từ viện bay sang”.
Một buổi chiều cuồng chân lại nhớ bố mẹ, Đạt lẻn ra cửa. Vừa lúc ấy nó nhìn thấy mẹ, trong bộ đồ kín mít, từ cổng bệnh viện đang nhìn sang nhà. Nó hét to: “Mẹ, mẹ ơi”. Chị Hiền thấy tay thằng bé với ra cửa, liền bỏ chạy như vừa làm chuyện xấu. Nấp sau cây cột một hồi, chị mới nghĩ ra phải gọi Nhung lôi em vào. Trong cuộc gọi về tối đó, cu cậu chất vấn: “Sao hôm nay con thấy mẹ mà mẹ bỏ chạy”. Chị Hiền chỉ biết ậm ờ “Mẹ bận”.
Hai hôm nay, Đạt không còn trách mẹ nói dối nữa, mà quan tâm nhiều hơn đến hôm nào mẹ về. Nghe câu trả lời “hết dịch mẹ sẽ về”, thằng bé 5 tuổi im lặng.
Ngay chính chị Hiền và những đồng nghiệp cũng chưa biết hôm nào mới có thể đoàn tụ với con. Thông thường, một đợt làm việc trong bệnh viện dã chiến kéo dài 21 ngày, sau đó sẽ được thay ra, đi cách ly và đội khác thay thế. “Nhưng hiện tại toàn bộ nhân lực của bệnh viện đều đã được huy động, số bệnh nhân từ 200-300 ca và dao động liên tục mỗi ngày”, anh Phạm Minh Nghĩa, phụ trách công đoàn bệnh viện nói.
Đến hôm nay Bắc Giang đã có hơn 1.600 ca Covid-19. Anh Tiến rất có thể sẽ được điều sang Bệnh viện dã chiến số 2, cách nhà tầm chục cây số. Chị Hiền lo mình cũng sẽ phải đi. “Nếu tôi cũng bị điều đi, thì ngay cả đến ra cổng nhìn con cũng không được nữa”, người mẹ nói, giọng đầy nỗi bất an…
Bé Nhung còn nhớ mùa hè năm ngoái hai chị em đã vui thế nào lúc được đi biển, cưỡi mô tô nước. Năm nay không có tổng kết, cũng chưa nhận được giấy khen, rồi có lẽ cũng chẳng có chuyến đi chơi nào. “Giờ cháu chỉ mong bố mẹ sớm về thôi”, con bé bảo.
Theo VNE
Xem thêm: