Về miền Tây không thử những đặc sản này thì thật phí cả chuyến đi

Phunuduongthoi.vn – Ngoài lẩu mắm hay lẩu cá linh đã quá nổi bật, đặc sản miền Tây còn có những món ăn dân dã với hương vị đậm đà, thử một lần sẽ nhớ mãi không thôi 

Cá lóc nướng trui

Một trong những cách chế biến món ngon dân gian được đúc kết được tự ngàn đời nay, đó là “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”. Thế nên món cá lóc nướng trui dân dã, lưu giữ được vị ngọt tự nhiên của thịt cá đã trở thành món ăn đầy tự hào của ẩm thực Nam Bộ. 

Để món cá lóc nướng trui ngon đúng vị, phải chọn cá lóc vừa bắt dưới sông còn tươi roi rói mà không cần sơ chế gì cả ngoài việc rửa cho thật sạch. Rồi cứ vậy xiên một thanh tre vào cá và cắm xuống đất, phủ rơm lên đốt đến khi tàn thì cũng là lúc cá chín, thơm lừng.

Về miền Tây không thử những đặc sản này thì thật phí cả chuyến đi - Ảnh 1 - phunuonline - phụ nữ đương thời

Ăn cá lóc nướng trui đúng điệu thì phải dùng đũa gạt bụi than trên thân cá đến khi thịt cá chín thơm ngon mắt lộ ra, rồi đặt cá lên bẹ lá chuối, thêm chút mỡ hành và đậu phộng rang lên là thưởng thức được rồi. Người Nam Bộ hay ăn cá lóc nướng trui với chút muối ớt hạt có vắt lát chanh để cảm nhận được rõ cái vị ngọt của thịt cá. Cầu kỳ hơn, có thể cuốn với bánh tráng kèm rau sống và nước mắm me chua chua mặn mặn, cho vị ngon không thể quên được. 

Gỏi sầu đâu khô cá lóc

Sầu đâu là loại cây sinh trưởng ở vùng An Giang, lá xanh có vị đắng nhưng để lại hậu vị ngọt nơi đầu lưỡi. Vì thế, thường được người dân dùng để chế biến các món ăn thường ngày. Ngon nhất vẫn phải kể đến món gỏi sầu đâu khô cá lóc. 

Đây là món ăn của người dân Khmer sống dọc vùng biên giới Việt Nam – Campuchia, gỏi sầu đâu khô cá lóc với cái vị đăng đắng của lá sầu đâu cân bằng vị mặn của khô cá lóc và chút chua chua của xoài, của thơm ,..  qua nhiều lần biến tấu đã trở thành đặc sản của vùng đất An Giang nổi danh khắp nơi. 

Về miền Tây không thử những đặc sản này thì thật phí cả chuyến đi - Ảnh 2 - phunuonline - phụ nữ đương thời

Khô cá lóc được dùng làm gỏi nhất định phải là khô làm từ cá lóc đồng, đã ướp gia vị và phơi 2-3 nắng thì thịt mới ngọt và chắc. Đem nướng khô trên bếp than hồng đến khi chín vàng để giữ được hương vị đặc trưng. Sau đó xé thành từng miếng nhỏ rồi trộn đều với lá sầu đâu non còn xanh mướt, chút xoài thái sợ, cùng dưa leo và hỗn hợp nước mắm chua ngọt. Như vậy là có ngay món gỏi sầu đâu ngon trứ danh vùng đất Nam Bộ rồi. 

Thịt chuột đồng nướng lu

Khách du lịch thường e ngại khi được giới thiệu món chuột đồng nướng lu vì tâm lý “lắc đầu sợ hãi ”. Thế mà một khi đã thử thì phải xuýt xoa vì quá thơm ngon. Thực tế, chuột đồng rất sạch, chỉ chuyên ăn lúa gạo nên món ăn này còn được xem là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ mỗi khi mùa gặt kết thúc. 

Về miền Tây không thử những đặc sản này thì thật phí cả chuyến đi - Ảnh 3 - phunuonline - phụ nữ đương thời

Những người sành về ẩm thực xếp món thịt chuột nướng lu vào hàng “độc đáo” của miền Tây, bởi nó thơm và ngọt hơn cả thịt gà, thịt nai rất nhiều lần. Chế biến món chuột nướng lu ngon đòi hỏi phải rất khéo tay. Chọn chuột đã ăn no béo múp. Làm sạch và tẩm ướp gia vị cho thật thắm rồi cho vào xiên nướng trong lu, vừa đều tay để lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm. Khi ăn, chấm thịt chuột với muối tiêu chanh kèm chút rau răm, chuối chát và dưa leo thì đúng điệu rồi.  

Bánh xèo Nam bộ 

Bánh xèo Nam Bộ từ lâu đã là một món ăn bình dân, nhưng cách chế biến lại cầu kỳ, mang đến một một hương vị thơm ngon đặc sắc. Bánh được tráng khá to, bên trong dẻo ngoài rìa lại giòn tan. Đặc trưng của bánh xèo Nam bộ nằm ở phần vỏ bánh, được làm từ bột gạo tẻ trộn với một chút nghệ màu vàng ươm, rồi pha với nước cốt dừa và một ít hành lá nên bánh lúc nào cũng thơm, cũng béo. 

Về miền Tây không thử những đặc sản này thì thật phí cả chuyến đi - Ảnh 4 - phunuonline - phụ nữ đương thời

Phần topping bên trong bánh thì cứ theo “mùa nào thức nấy”. Ngày thường sẽ dùng giá đậu xanh, củ sắn xắt sợi cùng thịt ba chỉ và tép bạc làm nhân. Đến mùa mưa có măng, có nấm mối rộ trong vườn, thì nhân bánh xèo nghiễm nhiên thay bằng sợi măng tươi, sợi nấm mối xào,..  

Rau ăn bánh xèo cũng phải là loại đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long mới đúng vị. Thường dĩa rau ăn kèm phải có: cải bẹ xanh, lá cách, đọt xoài, đọt cóc, bông điên điển, rau diếp cá, rau húng lủi, húng cây,….  Tất cả cuộn lại với miếng bánh còn đang nóng hổi, chấm cùng chén nước mắm chua ngọt cay nồng sẽ làm cho thực khách nhớ mãi không quên.

Tổng hợp 

Xem thêm:


Nên đọc