Vụ bé 2 tuổi bị đánh tại lớp mầm non: bố mẹ nên dạy con cách tự vệ như thế nào?
Phunuduongthoi.vn – Từ xích mích nhỏ của 2 đứa trẻ đến hành vi không kiểm soát được của vị phụ huynh đã dẫn đến hậu quả khôn lường.
Câu chuyện gây xôn xao thời gian qua xảy ra tại một trường mầm non ở Lào Cai, khi bố của bé C.T đến đón con gái thì vô tình bắt gặp hình ảnh con mình đang chơi đồ chơi mà bị bé P.A chạy tới giành, lúc bé C.T sắp bị bé P.A cắn thì bố của em đã không kìm được mà xông vào đánh bé P.A. Sự việc chỉ dừng lại khi bố của bé C.T bắt bé A. phải khoanh tay xin lỗi trước sự chứng kiến của 3 cô giáo.
Ngay sau khi sự việc xảy ra đã tạo nên làn sóng phẫn nộ với hành vi được cho là sai trái của bố bé C.T. Và cũng từ câu chuyện trên đã làm dấy lên những trăn trở về cách ứng xử của những bậc làm cha làm mẹ khi biết con mình bị bạo lực học đường. Và những mối bận tâm làm thế nào để dạy con cách tự vệ đúng đắn trong thời buổi hiện nay ?
Nếu con bạn là người bị bạo hành: Hãy dạy con cách ứng phó
Không có một người cha người mẹ nào mà không xót con khi biết tin con mình bị bạn bè bắt nạt, hành hung khi đi học. Nhưng là những người lớn, chúng ta không nên đề cảm xúc lấn át lý trí dẫn đến những hậu quả không hay như bố của bé C.T trong câu chuyện trên. Đạo lý từ xưa của ông cha ta thường cho rằng, muốn dạy con nên người thì nên cho con cần câu chứ đừng cho con cá. Nhưng có lẽ ở trường hợp này, phụ huynh chúng ta cần cho cả “cần câu lẫn con cá”.
Cho con “con cá” đề con biết rằng bố mẹ vẫn bên cạnh con, vẫn cùng con giải quyết vấn đề. Hãy thật bình tĩnh và đặt cho con những câu hỏi thể hiện sự quan tâm để con có thể yên tâm kể cho bố mẹ nghe mà không sợ bị la mắng. Từ đó cô giáo can thiệp và đề ý con trong lớp học nhiều hơn. Cùng con tìm hiểu sự việc phải trái đúng sai và nhờ cô giáo can thiệp và để ý đến con nhiều hơn, nhờ nhà trường hỗ trợ kịp thời đề tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Cho con “cần câu” đề con học được cách ứng phó thông minh, sau này lớn lên sẽ biết tự bảo vệ mình nhưng cũng không làm hại đến ai. Thay vì bảo bọc và che chở, bố mẹ nên định hướng cho con cách giải quyết vấn đề nếu như con bị ức hiếp, bắt nạt. Dạy con dùng lời nói cứng rắn để ngăn chặn những tình huống bạo lực xảy ra. Tuyệt đối không khuyến khích con trả thù bạn, “ăn miếng trả miếng” đề đối phó.
Hầu hết các trẻ bị bạo lực học đường thường là những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát và thường mang tâm lý sợ hãi. Vì thế, bố mẹ hãy khuyến khích và động viên con nói lên sự thật, dám đứng lên tố cáo bạn đã bắt nạt mình với giáo viên đề con biết rằng, chỉ cần con nói ra thì sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Đồng thời, dạy con cách kết bạn, cách giao tiếp và chơi đùa cùng các bạn để con không bị cô lập trong một tập thể cùng trang lứa
Và điều quan trọng, chúng ta phải dạy con cách ứng xử thân thiện nhưng không nhún nhường khi có mâu thuẫn với các bạn cùng lớp. Từ đó giúp con biết cách duy trì những mối quan hệ hòa bình với các bạn trong lớp mà không bị thiệt thòi.
Nếu con bạn là đứa trẻ gây ra bạo lực học đường: Hãy là bậc phụ huynh tâm lý
Khi biết con mình bắt nạt bạn cùng lớp, việc đầu tiên và luôn luôn phải thực hiện chính là chủ động liên hệ xin lỗi gia đình nạn nhân. Đồng thời liên hệ với giáo viên để bàn cách khắc phục cũng như phương án dạy dỗ con về sau. Đề con biết rằng, hành động của mình là sai trái và con phải có trách nhiệm với hành vi của mình. Không được bỏ qua cho con, cũng không được đổ hết trách nhiệm chịu tội cho con mình. Bởi những đứa trẻ có xu hướng thích bắt nạt bạn bè cùng lớp thường là những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi hành vi của những người lớn xung quanh môi trường sống. Hoặc đó là những đứa trẻ muốn thu hút sự chú ý vì thiếu thốn sự quan tâm của người lớn.
Vì thế, với những đứa trẻ có xu hướng gây ra bạo lực học đường, bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm và trò chuyện với con nhiều hơn. Dạy con cách kiểm soát những cảm xúc nóng giận bản thân đề con biết giữ bình tĩnh và không được dùng hành vi bạo lực khi xảy ra bất đồng với bạn bè. Thay vào đó, hãy biết tìm một người lớn hơn đề phân xử công bằng.
Khi con phạm lỗi, bố mẹ không được dùng bạo lực với con mà nên bình tĩnh giải thích cho con hiểu vì sao con làm như vậy là sai, hậu quả của việc làm đó ảnh hưởng đến con như thế nào. Phê bình con bằng cách nói nhẹ nhàng sẽ không làm tổn thương lòng tự trọng của con, lại còn nhanh chóng “dìm” được tâm lý phản kháng và nổi loạn của con, giúp con dễ tiếp thu hơn những điều bố mẹ nói hơn. Đồng thời, bố mẹ cần nghiêm khắc với con khi con có hành vi trêu chọc bạn bè quá đà hoặc có xu hướng bắt nạt, ức hiếp các bạn yếu thế hơn mình. Điều này sẽ giúp ngăn chặn được những hành vi bạo lực học đường trong tương lai.
Có thể thấy, trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ chúng tiếp xúc hàng ngày. Và hầu hết bố mẹ ngày nay thường bận rộn với công việc và thường xuyên để con mình giao tiếp với mạng xã hội nhiều hơn là cả gia đình dành thời gian trò chuyện với nhau. Là những bậc phụ huynh tâm lý và thông thái, chúng ta cũng nên cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và chăm sóc con cái, đề con được lớn lên đủ đầy cả về thể chất lẫn tinh thần, bố mẹ nhé !
Nguồn: Tổng hợp
Xem thử: