Các nước nghèo không có sự lựa chọn vaccine ngừa Covid-19
Phunuduongthoi.vn – Những nước giàu có sở hữu rất nhiều sự lựa chọn về vaccine ngừa Covid-19 sau khi vaccine của các hãng AstraZeneca và J&J được cho là tiềm ẩn nguy cơ đông máu. Trong khi các quốc gia nghèo lại không có được nhiều sự lựa chọn.
Lợi ích quan trọng hơn nguy cơ biến chứng
Cho đến nay, Covax, chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn, đã phân phối 17,4 triệu liều vaccine cho 36 nước châu Phi, trong đó có hơn 17 triệu liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và khoảng 200.000 liều vaccine của hãng Pfizer.
Các loại vaccine công nghệ mRNA như Pfizer hay Moderna đang được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, thường đắt gấp 3 hoặc 4 lần so với AstraZeneca, hay vaccine một mũi tiêm J&J. Nhiều nước nghèo buộc phải đợi lâu hơn rất nhiều so với nước giàu để được tiếp cận vaccine.
Trong giai đoạn đầu phát triển, vaccine mRNA có yêu cầu bảo quản cao hơn, mà hầu hết những quốc gia này không thể đáp ứng nếu không mua trang thiết bị đắt tiền mới. Những yêu cầu ấy đang dần được cải thiện, song điều đó có nghĩa trong vài tháng qua, phần lớn nước nghèo chỉ tập trung đặt hàng AstraZeneca hoặc J&J.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, trung tâm không có ý định ngừng triển khai các loại vaccine này bởi các trường hợp đông máu là rất hiếm gặp. Tiến sĩ Benjamin Djoudalbaye, người đứng đầu bộ phận Chính sách, Ngoại giao Y tế và Truyền thông của CDC châu Phi, tuyên bố: “Đối với vaccine Covid-19, vấn đề lợi ích quan trọng hơn nguy cơ biến chứng”.
Một số nước châu Phi hiện cũng bắt đầu tìm nguồn cung vaccine Covid-19 từ những nhà tài trợ toàn cầu. Cuối tuần qua, Bộ Y tế Cameroon cho biết đã nhận 200.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc – lô vaccine đầu tiên mà quốc gia này có được cho đến nay.
Trung Quốc cũng đã tặng hàng trăm nghìn liều vaccine Sinopharm cho Zimbabwe và chính phủ này cam kết mua thêm hơn 1 triệu liều. Zimbabwe hy vọng có thể tiêm chủng 60% trong tổng số 14 triệu dân nước này. Theo Bộ Y tế Zimbabwe, hơn 245.000 người được tiêm chủng tính đến ngày 19/4.
Theo dữ liệu của WHO, số lượng vaccine của châu Phi chỉ chiếm 2% so với toàn cầu, trong khi nhiều nước ở lục địa này đã “cạn” nguồn vaccine.
Tương tự châu Phi, nhiều quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và châu Á cũng phải phụ thuộc phần lớn vào vaccine AstraZeneca, thông qua chương trình Covax. Theo các chuyên gia, việc tiêm chủng đại trà cho dân số toàn cầu để chống lại Covid-19 mang lại lợi ích của tất cả mọi người, vaccine nên được phân phối đồng đều và công bằng. Tuy nhiên, các nước phương Tây lại đang hướng tới công dân của họ trước và giải quyết vấn đề này không hề đơn giản.
Khủng hoảng y tế tại Ấn Độ
Trong bối cảnh vấn đề phân bổ vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp thì tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ tiếp tục xấu đi. Khủng hoảng y tế tại Ấn Độ nghiêm trọng đến nỗi chính phủ Anh vừa thông báo Thủ tướng Boris Johnson hủy chuyến công du quốc gia Nam Á này vào tuần tới.
Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đang trở thành tâm dịch, với hơn 25.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày, chiếm gần 1/3 số bệnh nhân vừa được phát hiện trên toàn quốc. Hệ thống y tế tại thủ đô của Ấn Độ đã quá tải.
Ông Arvind Kejriwal, lãnh đạo chính quyền địa phương, cho biết tình hình tại chỗ đã trở nên “nghiêm trọng”. Lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ 10 giờ đêm 19/4 chỉ giúp kìm hãm đà lây lan. Trong tuần qua, số bệnh nhân tăng thêm 64% so với tuần lễ đầu tiên trong tháng 4/2021.
Số ca lây nhiễm mới tăng nhanh do 2 yếu tố: Thứ nhất là dân chúng bất cẩn vào mùa tại Ấn Độ diễn ra hàng loạt các lễ hội quy tụ rất đông người. Lý do thứ hai là virus biến thể B.1.617 còn được gọi là “biến thể Ấn Độ” được phát hiện lần đầu tiên từ tháng 10 năm ngoái, nhưng đến nay, có đến 60% các bệnh nhân tại bang Maharrashtra, với thủ phủ là thành phố Bombay, lá phổi kinh tế của Ấn Độ, đã mang virus này.
Theo giới phân tích, biến thể B.1.617 không chỉ hoành hành tại Ấn Độ mà đã lan tới Vương quốc Anh, Đức, Bỉ, Namibia, CH Ireland, Australia, New Zealand, Singapore và Hoa Kỳ.
Ấn Độ đang là nước có tốc độ lây nhiễm Covid-19 nhanh nhất thế giới, với 273.810 ca nhiễm và 1.619 trường hợp tử vong mới, chỉ tính riêng trong ngày 19/4. Ấn Độ hiện vẫn xếp sau Hoa Kỳ về tổng số người nhiễm Covid-19 nhưng lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua, theo trang thống kê Worldometers.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: