Trẻ ngủ ngáy và những nguy hiểm tiềm tàng đến sức khỏe của trẻ

Phunuduongthoi.vn – Trẻ ngủ ngáy có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Nguy hiểm nhất là ngáy kèm ngưng thở trong khi ngủ.

Ngủ ngáy: biểu hiện của rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ như ngáy ở trẻ thường bị các cha mẹ bỏ qua mà không biết đó có thể là nguyên nhân và dấu hiệu nhiều bệnh lý mà trẻ mắc.

Chia sẻ về vấn đề này, theo bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Thanh Tuấn – Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ngủ ngáy là hiện tượng xuất hiện khi các cấu trúc của hệ hô hấp bắt đầu rung do có sự xuất hiện của vật cản ở đường thở. Chính sự rung động đã làm xuất hiện âm thanh ở đường thở của cơ thể. Tùy từng trường hợp cụ thể mà âm thanh ấy có thể mềm hoặc to nhưng rất dễ nghe thấy.

Ngủ ngáy gồm 2 loại. Trước hết là ngáy theo thói quen. Đây là hiện tượng ngáy duy trì trong suốt một thời gian dài mà không do bất cứ tác động bên ngoài nào. Ngoài ra, loại thứ hai là ngáy triệu chứng. Âm thanh ngáy xuất hiện do sự thay đổi của các điều kiện bên ngoài và nó có thể mất đi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, có một tỷ lệ nhỏ (7 – 10%) trẻ ngủ ngáy không có vấn đề gì. Nếu trẻ ngáy nhỏ và không thường xuyên, thì khi lớn hơn một chút, bé sẽ hết ngáy. Ngoài ra, việc để trẻ nằm nghiêng cũng sẽ giúp bé ít ngáy hơn nằm ngửa.

Những trẻ này vẫn chơi bình thường vào ban ngày. Tuy nhiên, đa số trẻ ngủ ngáy là có vấn đề. Trẻ có thể ngủ ngáy do bệnh đường hô hấp: Amidan hay VA to, nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân khác là do thừa cân hoặc trào ngược. Nguy hiểm nhất là ngáy kèm ngưng thở trong khi ngủ.

Theo bác sĩ Khanh, cha mẹ cũng cần chú ý khi trẻ ngủ ở một vị trí bất thường, ngửa đầu quá mức, kê lên nhiều gối, ngáy to và thường xuyên. Hoặc, trẻ có thể ngừng thở trong một thời gian rất ngắn trong đêm, khịt mũi, thở hổn hển hay hoàn toàn tỉnh dậy sau khi tạm dừng trong hơi thở.

Một số dấu hiệu khác bao gồm: Vừa ngáy vừa đổ mồ hôi rất nhiều trong khi ngủ; Ban ngày buồn ngủ, sáng khó thức dậy; Đau đầu trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng. Những trẻ này cũng thường gắt gỏng, hung hăng hoặc đơn giản là cáu kỉnh, thiếu tập trung/ rối loạn tăng động (ADHD) và xuất hiện tè dầm.

Nguyên nhân ngủ ngáy có thể xuất phát từ yếu tố bệnh lý

BS Vũ Thanh Tuấn cho biết thêm, hiện tượng ngủ ngáy ở trẻ em có thể xảy ra do yếu tố nguy cơ như béo phì. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ bị thừa cân rất dễ có khả năng ngủ ngáy.

Nguyên nhân của tình trạng này là do đường thở bị thu hẹp do béo phì và làm tăng nguy cơ bị rối loạn ngưng thở, trong đó có chứng ngáy to. Ngoài ra, sự tác động của những yếu tố gây dị ứng như: Thời tiết, bụi, phấn hoa,… có thể khiến các mô bên trong mũi và họng của trẻ bị viêm và tắc nghẽn. Từ đó, dẫn đến chứng ngủ ngáy.

Trẻ bị cảm cúm và cảm lạnh dễ bị ngủ ngáy không thường xuyên. Do nghẹt mũi nên trẻ phải thở miệng và nhờ đó mà hiện tượng ngủ ngáy có cơ hội xuất hiện. Bên cạnh đó, khi Amidan bị sưng to sẽ vô tình khiến khả năng lưu thông của không khí trong đường thở của trẻ bị chặn và kết quả là dẫn đến tình trạng ngủ ngáy. Trẻ mắc bệnh hen suyễn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hít thở nên dễ ngủ ngáy.

Ngoài ra, chứng ngủ ngáy ở trẻ em nếu chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện kèm theo tiếng thở khò khè, nghẹt mũi hoặc trẻ thở bằng miệng thì có thể xem là hiện tượng bình thường. Khi đó, cha mẹ không cần lo ngại.

Phụ huynh cần lưu ý điều gì khi trẻ có biểu hiện ngủ ngáy

Hiện tượng này sẽ mất đi vào giai đoạn tiếp theo của giấc ngủ hoặc khi tình trạng nhiễm trùng hô hấp của trẻ được cải thiện. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý tới những dấu hiệu cho thấy trẻ ngủ ngáy là bất thường. Cụ thể, trẻ ngủ ngáy với âm thanh quá lớn, kéo dài trên 3 ngày/tuần hoặc có hiện tượng tạm ngưng thở trong khi ngủ thì cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua.

Bởi, đó là trạng thái hô hấp bất bình thường. Đặc biệt, nếu phải thở gấp hay gắng sức để thở thì trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ. Đây là một dạng rối loạn nghiêm trọng cần được bác sĩ chuyên khoa điều trị ngay.

Một số trường hợp ngủ ngáy ở trẻ em có căn nguyên xuất phát từ yếu tố bệnh lý. Do đó, tình trạng này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, chất lượng giấc ngủ đêm kém khiến ban ngày trẻ buồn ngủ.

Từ đó, dẫn đến tình trạng khó tập trung, ảnh hưởng đến học tập, quá trình phát triển trí tuệ của trẻ bị cản trở. Ngoài ra, trẻ dễ bị đái dầm vì chứng rối loạn thở khi ngủ khiến quá trình sản xuất nước tiểu bị kích thích quá mức vào ban đêm.

Khả năng sản xuất hormone tăng trưởng bị suy giảm khiến cơ thể trẻ chậm phát triển. Trẻ cũng có nguy cơ ít tham gia hoạt động thể chất vì cảm thấy mệt mỏi. Từ đó, dễ bị chứng béo phì. Ngoài ra, trẻ dễ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý về phổi, rối loạn tim mạch, tăng huyết áp,…

Kim Dung / Báo Giáo dục & Thời đại

Xem thêm:

Nên đọc