Cuộc sống cơ cực của hàng ngàn phụ nữ Ấn Độ khi trở thành góa phụ vì Covid-19

Phunuduongthoi.vn – Cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ Ấn Độ trở nên cùng cực, khi họ trở thành góa phụ vì đại dịch Covid-19.

Cô Farhana Sultana bế trên tay đứa con mới sinh được 8 ngày, trong khi 2 đứa con đầu mới 5 và 7 tuổi đang chơi ở bên ngoài căn nhà nhỏ ở thành phố Pune, phía Tây Ấn Độ. Hai đứa trẻ này không hề hay biết cha của chúng đã qua đời từ cách đây 2 tháng.

“Tôi vẫn đang mang thai khi chồng qua đời vào cuối tháng Tư. Bọn trẻ giờ vẫn nghĩ bố chúng đang nằm viện”, cô Sultana (31 tuổi) chia sẻ, điều mà cô đang trăn trở nhất là việc làm cách nào để có thể nuôi sống 3 đứa con thơ.

Hàng ngàn phụ nữ Ấn Độ trở thành góa phụ vì Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Cô Sultana hiện là một trong hàng ngàn quả phụ thời Covid-19 ở Ấn Độ, những người chịu cảnh mất chồng vì đại dịch và họ đang phải gồng mình xoay xở để đưa cuộc sống trở lại bình thường dù gia đình đã mất đi trụ cột.

Do có quá ít sự hỗ trợ từ chính phủ, cô Sultana và nhiều người phụ nữ khác đã tìm tới các tổ chức xã hội và hợp tác quốc tế để có thể được trau dồi kỹ năng và kiến thức tham gia lực lượng lao động.

Thương tâm hơn là trường hợp của cô Adhika Roy (33 tuổi) sinh sống ở thành phố Kolkata. Chồng cô Roy qua đời khi làn sóng Covid-19 thứ 2 tấn công Ấn Độ. Sau khi chồng mất, cô Roy bị gia đình chồng bỏ rơi, khiến cô phải về nhà bố mẹ đẻ sinh sống cùng với 2 đứa con 4 và 7 tuổi.

“Tôi từng là một bà nội trợ. Chồng tôi lo lắng mọi thứ. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ sống như thế nào nếu không có anh ấy”, cô Roy nói trong nước mắt.

“Sau khi chồng tôi chết, cả nhà chồng thay đổi thái độ ngay lập tức. Họ trở nên tàn nhẫn. Anh chồng đã chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của chồng tôi vào tài khoản của anh ta. Tôi từng có ý định tự sát, nhưng điều ngăn tôi hành động chính là 2 đứa trẻ”, cô Roy nhớ lại quãng thời gian suy sụp tinh thần.

Những trường hợp “góa phụ thời Covid-19” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên lãnh thổ Ấn Độ, do hậu quả lâu dài từ đại dịch.

Cho tới nay chưa có con số thống kê chính thức về số phụ nữ bị mất chồng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ. Nhưng theo phần lớn chuyên gia, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nam giới hiện cao hơn. Điều này có nghĩa khi dịch Covid-19 chưa được dập tắt, sẽ càng có thêm những người vợ mất chồng và những đứa trẻ bị mất cha.

Nhiều người may mắn sống sot sau trận dịch nhưng cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Một số báo cáo cho rằng, hiện có từ 40 – 50 triệu góa phụ ở Ấn Độ trong tổng số 1,4 tỷ dân.

Với tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc tái hôn đối với phụ nữ ở Ấn Độ hiện không được tán thành. Thậm chí, không nhận được sự giúp đỡ, họ còn bị khinh thường.

“Số lượng lớn phụ nữ trở thành góa phụ đang gia tăng ở vùng nông thôn Ấn Độ. Nhiều người đã tới cầu cứu các tổ chức để được hỗ trợ pháp lý, tiền bạc, thực phẩm và giáo dục”, ông Seema Kulkarni, người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận chia sẻ.

Tiến sĩ Neetha N., Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Phụ nữ, cũng đồng tình với nhận định phụ nữ đang bị đối xử bất công không chỉ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mà còn từ hệ thống xã hội hiện tại.

Theo bà Neetha, phụ nữ vẫn chỉ tập trung vào một số công việc như nội trợ hay bán hàng rong. Do đó, việc tìm ra công việc phù hợp với kỹ năng của những góa phụ này là vô cùng khó khăn.

Để giúp đỡ những phận đời éo le như trên, ông Yudhvir Mor, người đang làm việc cho một công ty phần mềm của Mỹ, đã cho thành lập trang web mang tên “Covid Women Help”.

Hơn 200 công ty đã tham gia chương trình của ông Mor cùng với lời hứa tạo ra 1.000 công việc và 12.000 tình nguyện viên cũng đã đăng ký giúp đỡ. Trong khi đó, hơn 10.000 phụ nữ đã liên lạc với trang web để xin hỗ trợ.

Hiện tại, chính quyền một số bang của Ấn Độ đã cho triển khai các biện pháp hỗ trợ những góa phụ thời Covid-19. Cụ thể, bang Assam triển khai chi trả hỗ trợ tài chính 1 lần trị giá 250.000 rupee (3.350 USD) đối với những phụ nữ mất chồng vì dịch bệnh khi họ nằm trong nhóm gia đình có mức thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Ấn Độ vẫn chưa có bất cứ kế hoạch lớn nào để hỗ trợ những người phụ nữ đáng thương này.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem thêm:

Nên đọc