Từ “nhà quê học làm sang” đến con dâu “vàng mười” sau giãn cách

Phunuduongthoi.vn – Bà Mai xưa nay vốn là người trọng hình thức và tiếng tăm nhất trong họ. Chẳng thế mà bà cứ buồn mãi cái chuyện con dâu bà xuất thân từ nông thôn.

Chị Thơ tuy là người ngoại tỉnh nhưng có học thức, có vị trí trong cơ quan. Chị đến với anh Tuấn, con trai bà Mai, cũng xuất phát từ tình yêu chứ chẳng phải vì một cái “hộ khẩu Thủ đô” như nhiều người ác mồm vẫn nói về chị.

Chị tuy sống ở thành phố đã nhiều năm nhưng vẫn giữ thói quen tối đi ngủ sớm, sáng dậy sớm vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa mở máy tính làm việc khi các thành viên trong nhà đều đang say giấc. Thói quen lành mạnh và khoa học của chị quả thật là ít người sống ở phố có được khi mà họ đã quen với việc “lên mạng” đến 1 -2 giờ sáng mới đi ngủ, sáng dậy thì cuống cuồng đi làm, có khi chẳng kịp ăn. Ấy vậy nhưng mẹ chồng chị lại bảo, đó là “thói quen nhà quê”.

Cũng như bao người phụ nữ khác, chị Thơ cũng thích ăn mặc đẹp, thích làm điệu. Đi công tác hay du lịch, chị cũng hay chụp ảnh “ắp phây”. Chuyện ấy thì “nhà nhà người người” vẫn làm chẳng sao nhưng mẹ chồng chị lại lên án con dâu là… nhà quê thích học làm sang. Thỉnh thoảng, bà Mai lại tám với các bà bạn rằng, con dâu bà vừa sắm cái túi xách những mấy triệu. Được thể, mấy bà tám cũng thêm mắm muối: “Con dâu bà còn ăn chơi hơn cả gái thành phố rồi đấy”. Thế rồi, các bà tám đồng thanh kết luận rằng: “Khổ cái thằng Tuấn, bị vợ nó dắt mũi!”.

Cứ mỗi dịp Tết đến, vợ chồng Tuấn – Thơ thường lên kế hoạch ở thành phố ăn Tết với ông bà nội đến ngày mùng 2, sau đó thì về quê ngoại chúc Tết và ở đó đến mùng 4 mới lên để đi làm.

Bà Mai chẳng vui chút nào khi mà khách khứa đến nhà chúc Tết lại chỉ có hai thân già. Thành thử, năm nào bà cũng nói mát mẻ cái chuyện mình phải “sẻ nửa” ngày Tết cho thông gia.

Thế rồi, đại dịch Covid-19 ập đến khiến cả xã hội điêu đứng. Khổ nhất là nhà bà Mai lại có người phải vào viện. Đầu tiên là con gái bà sinh cháu. Vì dịch Covid-19 nên bệnh viện không cho nhiều người nhà vào thăm nom, chăm sóc sản phụ. Mỗi gia đình chỉ được một người duy nhất đi theo sản phụ chăm sóc. Khi ấy, chị Thơ đang có chuyến công tác ở TP.HCM. Hay tin em chồng sinh cháu, chị tức tốc đặt vé máy bay gấp về Hà Nội để vào viện với em. 

5 ngày em chồng ở viện là 5 ngày một mình chị ở lại chăm sóc. Hết pha sữa, thay bỉm cho bé lại đến massage bầu ngực của mẹ bé để gọi sữa về, rồi lại dìu mẹ bé tập đi sau khi sinh mổ. Đêm đến, chị lại thuê chiếc giường gấp để nằm cạnh giường sản phụ trông hai mẹ con. Bà Mai cũng thấy ái ngại với con dâu nên ngỏ ý để bà trông đỡ thì chị gạt đi: “Mẹ có tuổi rồi, cứ nghỉ ở nhà, để con chăm mẹ con cô ấy”.

Nhưng chuyện làm bà Mai thực sự thay đổi cách nhìn về con dâu, đó là cách đây vài tuần, đến lượt chồng bà phải đi cấp cứu. Khi ấy, con trai bà lại có chuyến công tác ngoài thành phố và “mắc kẹt” đúng lúc thành phố giãn cách. Vậy là ở nhà, một tay chị Thơ chạy đôn chạy đáo lo thủ tục nhập viện cho ông rồi lại ở trong viện cả đêm lẫn ngày với ông. Và cái cảnh nàng dâu chăm bố chồng thì cũng thật là tế nhị biết bao!

Mỗi lần, thấy bố có điều gì khó nói, chị Thơ biết là bố có nhu cầu đi vệ sinh nên chủ động kê bô, đỡ bố dậy rồi dùng tấm chăn quây lại chỗ giường bệnh, để ông có thể chủ động đi vệ sinh. Xong xuôi, chị lại tháo tấm chăn ra và dọn dẹp. Những người nằm cùng phòng với ông Thụy, chồng bà Mai, ai nấy đều tấm tắc khen nhà này có cô con dâu “vàng mười”.

Từ bệnh viện, ông Thụy gọi điện về cho vợ và cằn nhằn: “Bà vừa vừa phai phải thôi. Con Thơ ngần ấy năm làm dâu chẳng để điều tiếng gì nhưng bà cứ không hài lòng với nó. Thử hỏi, mấy bữa nay không có nó, tôi với bà xoay xở thế nào?

Cái gì có thể giả trân, chứ chăm người ốm thì phải xuất phát từ tấm lòng thơm thảo đấy bà!”. Nhận được cuộc điện thoại của chồng mà bà Mai bỗng thấy nhói lòng.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem thêm:

Nên đọc