Dạy con học giỏi môn Văn từ những cảm nhận cuộc sống

Phunuduongthoi.vn –  Khi dạy theo cách này, dù con cá tính, bướng bỉnh nhưng sẽ khó hư hỏng vì đã mang trong mình những cách sống, cách nghĩ nhân văn.

Chị Nguyễn Thanh Hải dạy con trai Minh Đức thói quen quan sát, miêu tả, nói lên cảm xúc từ nhỏ. Cấp 2 con học lớp Toán, điểm tổng kết môn Văn luôn 8.

Để con làm tốt văn miêu tả: Dạy con biết cảm thụ cái đẹp

Khi viết văn miêu tả, nhiều học sinh rơi vào tình trạng “nặn chữ”. Các con sẽ phải “tự kỷ ám thị” rằng cảnh này đẹp dù có khi chưa thấy rõ hoặc phải cố tưởng tượng ra hình ảnh này, hình ảnh khác để bài văn sinh động. Vì thế, để khuyến khích trí tưởng tượng của con, năm con 3-4 tuổi, tôi hay rủ chơi trò “đoán mây”.

Chiều chiều, đón con đi lớp về, tranh thủ lúc dừng đèn xanh, đèn đỏ, tôi hay chỉ lên bầu trời và hỏi con xem đám mây hình gì. Con thấy thú vị, lúc thì kêu lên “mẹ ơi, con thấy hình con ngựa”, lúc thì bảo “con thấy hình bờ biển”…

Mọi người xung quanh thấy hai mẹ con ngửa mặt lên trời chỉ chỏ, tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng với tôi, đây là cách dạy khá hiệu quả. Đến giờ, con vẫn thích thú khi nhớ lại những ngày này.

Buổi sáng hai mẹ con đi qua thấy vạt cỏ bên đô thị đọng sương sớm, tôi dừng xe, cho con xuống quan sát. Con nhìn có vẻ thích thú. Dạy con biết yêu thiên nhiên không nhất thiết phải đi du lịch, về với rừng núi, đồng quê. Nếu không có điều kiện, bạn có thể dạy con biết yêu cảnh đẹp giản dị ngay xung quanh mình.

Lần khác, đi trên cầu vượt, thấy mẹ chỉ, con nhìn xuống dòng xe đi phía dưới chân cầu. Một dòng màu trắng do đèn pha, còn ở chiều ngược lại có màu đỏ do đèn chiếu hậu. Con vui vẻ gọi là “dòng sông xe hai màu”.

Tôi cứ gieo vào con sự cảm nhận về cái đẹp, kích thích trí tưởng tượng. Nhờ đó, sau này khi con viết văn, các ý đến rất nhanh với hình ảnh sinh động, đẹp đẽ. Nhiều khi con vừa viết, vừa buôn chuyện với mẹ nhưng điểm vẫn cao.

Chân dung chị Nguyễn Thanh Hải 43 tuổi, tác giả hai cuốn sách dạy con chia sẻ cách nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con trai học tốt môn Văn.
Để làm tốt bài về đất nước, hãy dạy về tình yêu nơi con đang sống

Mùa đông năm đó, hai mẹ con đi qua một con phố, bất chợt thấy cây bàng lá đỏ đang mùa thay lá rất đẹp, tôi nói: “Đây chính là hình ảnh có trong bài hát ‘Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ’ con ạ”. Con có vẻ bất ngờ vì giờ đã biết được hình ảnh thực tế.

Lần khác, vào mùa hè, hai mẹ con đi qua phố Khâm Thiên, lúc qua tượng đài tưởng niệm trên phố, tôi nói cho con về cuộc rải thảm B52 tàn sát người dân. Con cũng hay được đi bảo tàng, được bố mẹ phân tích để hiểu hơn về ý nghĩa từng hiện vật.

Nhờ thế, con hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của mảnh đất nơi sinh ra và lớn lên. Sau này, việc viết các bài về tình yêu quê hương, Tổ quốc chỉ đơn giản là việc con viết ra những gì mình thực sự đã cảm nhận được từ trong tim.

Để làm tốt văn phát biểu cảm nghĩ, hãy dạy con biết nói lên cảm xúc

Ngay từ khi con rất nhỏ, tôi hay nói với con về cảm xúc của mình như mẹ yêu con, mẹ đang buồn… và luôn khuyến khích con nói lên mong muốn, tình cảm của mình, như con muốn đồ chơi này, đồ chơi kia, con đang đói, con yêu mẹ…

Nếu muốn con phát biểu cảm nghĩ trong bài viết thì trong cuộc sống hàng ngày con cần cảm nhận và nói được những cảm xúc của mình cũng như của mọi người xung quanh.

Để học tốt ca dao, tục ngữ, hãy dạy con về đức tính tốt đẹp

Có lần con về khoe được điểm 8 môn Văn, tôi ngạc nhiên. Con cho biết đang học về tục ngữ, ca dao nói về các đức tính tốt của con người. Khi làm bài, con không phải nghĩ nhiều, chỉ viết lại những gì mẹ đã nói với con hàng ngày.

Tôi quá bất ngờ vì không nghĩ việc mình dạy con thường ngày lại có tác dụng như thế. Tôi nhận ra khi bạn dạy con một điều tốt đẹp, đến một ngày nào đó, con sẽ đem lại nhiều kết quả tốt hơn so với bạn mong đợi. Có lẽ đó là phần thưởng cho những nhọc nhằn của bạn trong quá trình nuôi con.

Để học tốt văn nghị luận xã hội, hãy dạy con biết yêu thương mọi người

Hè năm đó, khi biết vào năm học mới, con sẽ học văn nghị luận, tôi băn khoăn vì sợ con bỡ ngỡ trước thể loại mới. Tôi cũng không biết giúp con bằng cách nào vì không nhớ rõ về cách phân tích tác phẩm văn học.

Tôi đi mua cuốn tuyển tập truyện ngắn Nam Cao cho con đọc. Mấy ngày sau, tôi hỏi: “Con đọc thấy thế nào?”. “Sao người dân ngày xưa khổ thế hả mẹ?”, con đáp. Tôi mừng vì con tự cảm nhận được một trong các thông điệp chính để sau này có thể phân tích tác phẩm một cách tự nhiên. Ngoài ra, tôi nói thêm về hoàn cảnh ngày xưa và hiện nay để con có thêm thông tin khi tiếp cận các tác phẩm.

Sở dĩ khi đọc cuốn tuyển tập Nam Cao, con phát biểu luôn được điều đó là trong cuộc sống hàng ngày, con cũng hay được dạy biết thương những người già neo đơn, người bán hàng rong, người khuyết tật… Sự cảm thông đối với những người nghèo khổ đã tự ngấm dần vào tâm hồn con qua ngày tháng, nên khi học các tác phẩm con sẽ thấy “rất vào”.

Nói không với văn tham khảo

Từ khi con bắt đầu đi học, tôi không bao giờ cho con đọc văn tham khảo trước khi viết vì sợ sẽ dựa dẫm, không chịu suy nghĩ. Thay vào đó, con sẽ tự làm. Làm xong, con mới đọc văn tham khảo để thấy những cái hay của bài văn đó và bổ sung nếu thấy cần thiết. Điều này vừa giúp con tự chủ trong suy nghĩ, vừa giúp con thấy được giá trị của các bài văn mẫu.

Tôi không bắt con viết đi viết lại bài mà chỉ nói cần học gì từ bài văn mẫu. Với tôi, khi con còn nhỏ, điểm số không quan trọng. Điều quan trọng là làm sao khiến con không sợ môn Văn và có thể làm Văn với tâm thế thoải mái nhất.

Để con là con

Có lần con được giao viết bài văn tả cây bàng. Con không viết theo kiểu phổ biến là ở sân trường em có một cây bàng hay ở đầu ngõ em có một cây bàng.. Con viết đại ý rằng, ở nước Nga xa xôi có một cây bàng. Mùa đông năm ấy, tuyết rơi rất dày, cây bàng gục ngã dưới bom đạn của phát xít Đức. Khi Berlin được Hồng Quân Liên Xô giải phóng thì “Ở Stalingrad, cây bàng gãy ngày nào đã tươi tốt trở lại như biểu tượng của sự hồi sinh ở vùng đất chết”.

Tối hôm đó, khi đọc bài con chuẩn bị, dù thấy quá phá cách so với văn phong thông thường của học sinh, tôi vẫn khen con viết hay, sáng tạo. Sau đó, biết cô giáo không hài lòng với bài viết, tôi vẫn động viên “lần sau con phát huy sự sáng tạo của mình nhé”. Sau này, con viết khá tự nhiên và có chất riêng.

“Văn là người”, đúng vậy. Nhưng với tôi, nhìn dưới góc độ khác thì “người là văn”. Điều đó có nghĩa nếu cha mẹ chú trọng dạy con nên người thì tức khắc trong con đã có chất văn để học tốt môn Văn ở trường.

Kết quả là đến khi lên cấp 2, dù học lớp Toán, con học Văn khá nhanh và nhàn. Điểm tổng kết môn này của con luôn khoảng 8 phẩy. Khi dạy theo cách này, dù con cá tính, bướng bỉnh nhưng sẽ khó hư hỏng vì đã mang trong mình những cách sống, cách nghĩ nhân văn.

Theo VNE

Xem thêm:

Nên đọc