Dạy con về tiền bạc – Chuyện không thể coi thường

Phunuduongthoi.vn – Nhà giáo dục nổi tiếng người Đức Karl Witte khẳng định, cha mẹ càng sớm nói chuyện với con về tiền càng tốt, để trẻ biết rằng kiếm tiền thật khó.

Cách đây không lâu tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc xảy ra một câu chuyện, người phụ nữ phát hiện số tiền vốn dành để làm đám tang cho người chồng mắc bệnh hiểm nghèo không cánh mà bay khỏi tài khoản. Sau đó cảnh sát phát hiện, đứa con trai 10 tuổi chính là thủ phạm của vụ việc. Đứa con 10 tuổi của chị đã chi 50.000 tệ (170 triệu đồng) để thưởng cho game thủ.

Gần đây một cô bé 12 tuổi ở thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông cũng đã sử dụng Wechat của mẹ để chuyển 16.800 tệ (56 triệu đồng) cho chính mình rồi lặng lẽ xóa lịch sử trò chuyện.

Cô bé 12 tuổi ở Giao Châu đã dùng tiền của mẹ mình để mua những hộp mù. Ảnh: renminwang.
Chiếc cặp chứa những nhân vật hoạt hình hoặc búp bê sản xuất với số lượng hạn chế mà cô bé 12 tuổi ở Giao Châu dùng 12.000 tệ (40 triệu đồng) của mình để mua – Ảnh: renminwang.

Khi bị mẹ phát hiện, hỏi cảm giác như thế nào khi tiêu số tiền lớn đến vậy, cô bé thản nhiên trả lời: “Khác gì tiêu một tệ đâu mẹ”. Thậm chí nếu cô bé mua phải những hộp mù trùng lặp, cô sẵn sàng cho bạn bè của mình để mua sản phẩm mới.

16.800 tệ có thể không phải là vấn đề lớn với nhiều gia đình ở Trung Quốc nhưng đối với người mẹ này thì đó là một khoản tiền không nhỏ bởi cô đã phải tiết kiệm trong nhiều năm.

Trong cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo” nổi tiếng của Robert Kiyosaki có câu: “Nếu bạn không dạy con về tiền, ai đó sẽ thay thế bạn làm điều này trong tương lai. Đó có thể là chủ nợ, là một kẻ trục lơi hoặc là cảnh sát hoặc một kẻ lừa đảo”.

Sau câu chuyện của cô bé từ Giao Châu, người dùng mạng Trung Quốc đặt câu hỏi: “Đằng sau những con số gây sốc là có bao nhiêu trẻ vị thành niên không biết gì về tiền bạc”.

Sự việc lại trở thành chủ đề bàn tán khi một người cha đơn thân họ Vương tố cáo con gái mình trên Weibo lừa dối cha để tiêu hết 3 triệu tệ ông tiết kiệm dưỡng già. “Nó dùng tiền đó để chi tiêu với thằng bạn trai người nước ngoài”, ông bố viết.

Người cha này cho hay vì muốn con có môi trường học tập tốt nhất, nên khi con gái đề nghị đi du học, ông đã đồng ý ngay. Thật bất ngờ khi con gái ra nước ngoài, cô đã chuyển 3 triệu tệ của bố sang tên mình rồi mua sắm hàng hiệu, ăn uống tại nhà hàng hạng sang và chụp ảnh khoe trên Weibo.

Ông Vương đau khổ, thuyết phục con gái nhưng không được. Bất đắc dĩ người cha này đưa thông tin lên trang cá nhân nhờ sự giúp đỡ. Tuy nhiên con gái cho rằng bố đã bôi nhọ cô và quyết định từ mặt ông.

“Tôi có phải là người cha tồi không, từ nay tôi trở thành một người xa lạ với chính con gái của mình”, Vương bất lực viết trên Weibo.

Nhà giáo dục nổi tiếng của Đức- Karl Witte từng phản đối việc trao quá nhiều tiền cho trẻ em. “Nếu bạn để con sở hữu tiền dễ dàng sẽ khiến đứa trẻ có thói quen phụ thuộc”.

Theo vị tiến sĩ này, nhiều cha mẹ tin rằng trẻ em chỉ cần học tập tốt, và không nên đề cập tới tiền bạc với con trẻ “Vì chúng còn nhỏ, chưa cần biết đến cách tiêu tiền”- họ nói với nhau. Tuy nhiên, Karl Witte khẳng định, cha mẹ càng sớm nói chuyện với con về tiền càng tốt, để trẻ biết rằng kiếm tiền thật khó. Trẻ cũng có trách nhiệm giúp gia đình chia sẻ áp lực tài chính.

“Nói về tiền với trẻ thực chất là dạy chúng chịu trách nhiệm, học cách lựa chọn và kiểm soát cuộc đời trẻ sau này”, ông khẳng định.

Dạy con, tiền rất khó kiếm

Nhà tâm lý học Barry Schwartz người Mỹ từng phỏng vấn một trăm đứa trẻ với cùng một câu hỏi: “Tiền đến từ đâu?”

Phần lớn những đứa trẻ được phỏng vấn trả lời, tiền đến từ túi của cha mẹ và ngân hàng. Chỉ 5% có đáp án tiền đến từ sự vất vả và chăm chỉ từ người lớn.

Cuối năm 2019, đại gia Hong Kong Hoắc Khải Cương đã đăng tải lên trang cá nhân hình ảnh con trai lớn và con gái thứ hai đang rửa ôtô để kiếm tiền tiêu vặt. Hình ảnh đó đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi của người dùng mạng Trung Quốc, đặc biệt là về phương pháp giáo dục con cái của vị đại gia này.

Tỷ phú Hong Kong Hoắc Khải Cương yêu cầu con trai và con gái rửa xe ô tô để kiếm tiền tiêu vặt. Ảnh: sohu.
Tỷ phú Hong Kong Hoắc Khải Cương yêu cầu con trai và con gái rửa xe ô tô để kiếm tiền tiêu vặt. Ảnh: sohu.

“Những việc làm đó sẽ giúp đứa trẻ hiểu rõ và trân trọng hơn thành quả lao động của cha mẹ cũng như của chính bản thân chúng. Nhất là khi chúng được sinh ra trong nhung lụa và có cha mẹ sở hữu gia tài bạc tỷ”, nhiều cư dân mạng để lại bình luận.

Dạy trẻ cách sử dụng tiền

Ngày11/11 hàng năm, tại Trung Quốc rất nhiều các công ty thương hiệu, cửa hàng đua nhau giảm giá để kích cầu mua sắm, tạo nên làn sóng mua sắm khổng lồ nhất trong năm.

Năm ngoái, một học sinh trung học đã sử dụng kiến thức toán học của mình để lập bảng kế hoạch mua sắm cho mẹ trong ngày 11/11. Bảng kế hoạch được trình bày dưới dạng văn bản và hình ảnh, chi tiết tới từng con số, đồng thời khuyên răn mẹ về việc thận trọng trước khi ấn nút mua bất kỳ sản phẩm nào.

Nhờ có bảng kế hoạch của con trai, người mẹ – vốn là một người nghiện mua sắm đã tránh được thói quen “mua bạt mạng” trong ngày 11/11, và tiết kiệm được rất nhiều tiền so với những năm trước đó.

Một học sinh trung học đã sử dụng kiến thức toán học của mình để lập bảng kể hoạch mua sắm cho mẹ trong ngày 11/11. Ảnh: sohu.
Một học sinh trung học đã sử dụng kiến thức toán học của mình để lập bảng kể hoạch mua sắm cho mẹ trong ngày 11/11. Ảnh: sohu.

Một giáo sư họ Khương – người sáng lập khóa học quản lý tài sản tại một trường cấp 3 tại Thượng Hải – luôn đánh giá cao những phụ huynh hướng dẫn trẻ quản lý tài sản: “Dạy quản lý tài sản sẽ giúp trẻ cải thiện tính kỷ luật. Chúng có thể xây dựng những giá trị phù hợp mỗi khi tiêu xài không chỉ với bản thân mà cả với người khác”, ông nói.

Đừng khiến trẻ nghĩ rằng tiền là gánh nặng

Một nhà hoạch định tài chính đã chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân:

Một người mẹ đã ghi lại tất cả các chi phí từ khi con gái bà chào đời. Từ chi phí quần áo, thức ăn, chỗ ở, thậm chí đến cái núm ti giả mua cho con để cai sữa mẹ.

Trước mặt con gái lên 5, người mẹ này luôn nhắc rằng “Số tiền bố mẹ đã chi ra cho con rất nhiều, khó khăn lắm mới kiếm được chúng. Con phải học tập chăm chỉ để sau này kiếm được nhiều tiền hơn, báo đáp cha mẹ”.

Thấy mẹ trả nhiều tiền cho mình, cô con gái lớn lên đầy mặc cảm và trở nên nhút nhát. “Con phải học hành chăm chỉ và kiếm thật nhiều tiền”, cô bé luôn tự nhắc nhở mình như vậy, tạo nên áp lực lớn trước mỗi kỳ thi. Đến năm chuẩn bị thi đại học, cô bé mắc chứng trầm cảm, phải điều trị rất lâu trong bệnh viện.

Người bạn của người mẹ này lại có cách tiếp cận khác với con mình. Cô đã cho đứa trẻ một số tiền nhất định, cho phép con chọn các mặt hàng phù hợp với ngân sách có sẵn của mình.

Đứa trẻ đã ghi lại tất cả những thứ muốn mua và sắp xếp chúng từ “cần thiết” cho đến “không cần thiết” nhằm tiết kiệm chi phí. Trong quá trình này, cô bé đã học cách lựa chọn và lập kế hoạch chi tiêu cho mình.

“Không bao giờ quá sớm để nói về tiền với con của bạn”, tỷ phú Hoắc Khải Cương chia sẻ về cách dạy con.

“Người có thể tiêu tiền và kiếm tiền là người hạnh phúc nhất vì anh ta có hai loại hạnh phúc. Là cha mẹ, nói chuyện tiền bạc với con chính là vẽ cho chúng tương lai và hạnh phúc sau này”, vị tỷ phú nêu quan điểm.

Theo Sohu

Xem thêm:

Dạy con đúng cách, mẹ tâm lý nhất định phải biết 3 điều này

Chuyên gia gợi ý bố mẹ 20 cách xử lý khi trẻ cáu giận hay bướng bỉnh

Nên đọc