Lật Mặt 7 khiến nhiều cha mẹ trẻ tranh cãi: Sinh con ra có nên mặc định đứa trẻ lớn lên phải nuôi mình?

Phunuduongthoi.vn – Khi suy nghĩ đến việc con cái nên phụng dưỡng cha mẹ hay không, liệu mỗi người trong chúng ta sẽ lựa chọn thế nào?

– Sinh con không phải để về già con nuôi mình. Con cái không phải công cụ để phục vụ mục đích của cha mẹ, càng không nên là kết quả lầm lỡ. Sinh con trước hết để mình được hạnh phúc, sau là để con được hạnh phúc. Hạnh phúc của con sẽ nối dài thêm hạnh phúc của cha mẹ đời đời. Sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên với mọi sinh linh. Chỉ cần mình bớt cưỡng cầu, bớt bi lụy tạo hóa ắt sẽ an bài.

– Nước luôn luôn chảy xuôi, sinh con và nuôi con là trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng con cái có nuôi lại cha mẹ không thì đó lại là phúc phần của cha mẹ, vì bản thân con rồi cũng sẽ làm cha mẹ và rồi cũng lo cho con cái của họ thôi.

– Nhà của ba mẹ thì sẽ là nhà của con, tiền của của ba mẹ thì sau cũng là của con.

NHƯNG…

Nhà của con là nhà của con – không phải là nhà của ba mẹ!

Tiền của của con vẫn là của con – không phải là của ba mẹ!

Đây chính là những bình luận sâu sắc nhất, thu hút nhiều like nhất dưới một bài viết đang gây tranh cãi trên MXH. Bài viết này thuộc về tài khoản tên H.N, chia sẻ về bộ phim Việt đình đám đang chiếu ngoài rạp của đạo diễn Lý Hải.

H.N chỉ bày tỏ cảm xúc đơn giản về bộ phim rằng “Chắc chắn đây là bộ film lấy đi nước mắt của nhiều người xem”. Tuy nhiên, bức ảnh đính kèm bài đăng của H.N mới là điều thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.

Những khoảnh khắc gây bão trong bộ phim
Những khoảnh khắc gây bão trong bộ phim “Lật mặt 7” của đạo diễn Lý Hải

Nội dung bức ảnh khởi nguồn cho loạt bình luận xoay quanh chủ đề sinh con và báo hiếu. Ngày mẹ còn trẻ thì cả đàn con vây quanh tranh nhau nuôi mẹ khi về già. Đến lúc mẹ thực sự đã già thì lại quạnh hiu trong căn nhà cũ.

Mọi thứ vẫn thế. Ngôi nhà vẫn thế. Mẹ vẫn là mẹ của các con như thế. Nhưng lời hứa năm xưa chẳng đứa con nào nhớ nữa rồi.

Con dù lớn mãi là con của mẹ…

Sau khi xem xong bộ phim của Lý Hải, nhiều người bày tỏ sự xúc động vì thông điệp tình cảm gia đình ẩn giấu trong đó. Thậm chí không ít người đúc kết cuối phim rằng “1 mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ”. Đó không phải là một câu nói bóng gió bởi thực tế đã chứng minh có vô số gia đình rơi vào hoàn cảnh y hệt như nghĩa đen của câu nói này.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng nhiều câu chuyện lại có mẫu số chung là con cái bỏ rơi cha mẹ già.

Vì sao những đứa con lại làm như thế? Vì sao cha mẹ họ dứt ruột đẻ con ra, cắt rốn cho con, dạy con nói, dạy con đi, nuôi con khôn lớn nên người mà họ lại thờ ơ khi cha mẹ già yếu? Rồi những đứa con cũng trở thành cha mẹ, cũng đi đến cuối con dốc cuộc đời. Chẳng lẽ họ không sợ quả báo, sợ mang tiếng bất hiếu hay lương tâm cắn rứt?

Trong khi chúng ta đọc câu chuyện của họ và phán xét bằng những câu hỏi đó thì chẳng ai biết những đứa con ấy nghĩ gì. Có thể do họ bận mải cơm áo gạo tiền trong bản số mệnh của riêng mình. Cũng có thể vì họ ở quá xa, khó về thường xuyên để chăm nom bậc phụ mẫu. Cũng có thể những đứa con ấy rời bỏ trần gian sớm hơn cha mẹ nên không thể báo hiếu.

Hoặc cũng có thể chính thâm tâm những đứa con ấy cố ý bỏ rơi cha mẹ tuổi xế chiều.

… Nhưng mẹ già rồi thì là mẹ của ai?

Bên dưới bài đăng của chị H.N có hàng nghìn bình luận tranh cãi. Chủ đề chính được nhiều người mổ xẻ liên quan đến bộ phim Lật mặt 7 là mối quan hệ 2 chiều giữa bố mẹ và con cái, giữa người sinh đẻ và người phụng dưỡng. Nhân vật bà Hai trong phim là hình mẫu “đo ni đóng giày” của vô số bà mẹ Việt. Bởi vậy nên nó chạm tới đáy sâu con tim của đông đảo khán giả, gần như ai cũng thấy đôi chút mẹ mình ở trong dáng hình bà Hai.

Bà Hai là người phụ nữ 73 tuổi sống tại một huyện nghèo ở Lạc Dương, Lâm Đồng. Một mình bà nuôi lớn 5 đứa con cả trai lẫn gái. Tụi nhỏ rất yêu thương mẹ, biết bày tỏ bằng lời khiến bà Hai cười vui.

Lật Mặt 7 khiến nhiều cha mẹ trẻ tranh cãi: Sinh con ra có nên mặc định đứa trẻ lớn lên phải nuôi mình?

Nhưng rồi khung cửi thời gian cứ dệt nên những nếp nhăn trên mặt bà Hai. Đưa qua đưa lại cả vạn lần, dệt hết nỗi nhớ này đến nỗi nhớ khác trong lòng người mẹ ấy, mà đợi hoài chẳng thấy con về. Mỗi người con đều mải miết mưu sinh mảnh đời riêng và bỏ quên những chuyến xe đưa họ về bên mẹ.

Rồi “nhờ” có cái chân gãy mà bà Hai được gặp lại đám con thơ của mình. Chúng lần lượt đón bà về chăm, 5 đứa con chia nhau mỗi người một quãng cho đến khi chân mẹ lành hẳn. Đến nhà mỗi đứa con, bà Hai chìm trong tâm tư của một người mẹ bị các con “nuôi đếm theo tháng theo ngày”. Cùng với đó bà hiểu rõ lý do tại sao chúng không về với mẹ, không tranh nhau nuôi mẹ như thời thơ ấu nữa.

Tuy nhiên bằng sức mạnh diệu kỳ của tình mẫu tử, bà Hai “gãy chân” đã vá lành những rạn nứt của cả 5 gia đình nhỏ. Bà không quá chấp niệm với việc bắt cả 5 đứa con phải có trách nhiệm chăm sóc mẹ khi về già. Bà tự hài lòng với những gì mình có, tìm an nhiên trong sự cô đơn.

Phía sau bộ phim, một bên khán giả mượn tấm gương con nhà bà Hai để lên án lối sống ích kỷ bỏ bê cha mẹ, chỉ trích những người coi cha mẹ già là gánh nặng và không ủng hộ việc để cha mẹ sống một mình khi mắt đã mờ chân tay run. Họ cho rằng việc con cái báo đáp ơn sinh thành là điều đương nhiên, và họ tin rằng cha mẹ có quyền được đòi hỏi thế hệ sau phụng dưỡng.

Tuy nhiên ở phía đối lập, một bộ phận khán giả và cộng đồng mạng lại đưa ra quan điểm cha mẹ không nên phụ thuộc hay trông mong vào con cái. Họ đồng tình với việc nuôi dạy trẻ em đến khi trưởng thành, song đó không phải lý do để cha mẹ áp đặt nghĩa vụ báo hiếu cho con. Có thể với nhiều gia đình bài toán con cái chăm sóc cha mẹ tuổi già là rất khó, song xã hội hiện đại có rất nhiều cách để người già được an hưởng cuộc sống riêng không phiền đến cháu con. 

Rất đông phụ huynh tham gia tranh luận dưới status của H.N đã chia sẻ rằng họ không quá trông mong vào con cái, họ đã tự chuẩn bị trước cả kinh tế lẫn tâm lý cho tương lai ốm đau hoặc về già. Thời điểm con cái trưởng thành là họ đã xong trách nhiệm, khi ấy mối liên kết giữa cha mẹ với con là tình cảm yêu thương và sự tự nguyện, chứ không phải là nghĩa vụ báo hiếu.

Cha mẹ không phải đồ vật hay trái bóng để con cái “đùn đẩy”, né tránh việc chăm sóc. Thế nên phụng dưỡng vừa là thử thách, vừa là sự lựa chọn của con cái mà nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chấp nhận mọi đáp án. Con chọn ở bên mình đến cuối đời cũng được, chọn ở xa rồi chôn cất mình khi nhắm mắt xuôi tay cũng không sao.

Cha mẹ là đôi cánh giúp con bay xa, nên khi chúng bay đi rồi thì bầu trời tự do là của chúng. Tất cả chúng ta có mặt trên đời đều là một người con. Khi suy nghĩ đến việc con cái nên phụng dưỡng cha mẹ hay không, liệu mỗi người trong chúng ta sẽ lựa chọn thế nào?

Theo Phụ nữ Mới

Xem thêm:

Nên đọc