Sốt xuất huyết: Quen thuộc mà vẫn hiểu lầm

Phunuduongthoi.vn – Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi chích. Mặc dù là bệnh quen thuộc, nhưng trong thực tế vẫn còn tồn tại những hiểu lầm về bệnh SXH, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác điều trị và phòng bệnh.

Bệnh SXH có phải như sốt bình thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày?

Tùy vào cơ địa mỗi người, khi mắc bệnh SXH, sẽ có những trường hợp bệnh tự khỏi sau vài ngày sốt, cũng có những trường hợp xuất hiện thêm nhiều triệu chứng, bệnh diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Cạo gió, xông lá, cắt lễ… khi mắc SXH có giúp nhanh hết bệnh?

Đối với các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp thì người bệnh có thể xông mũi, xông họng và uống nước để giải cảm. Còn đối với SXH, vi-rút lây truyền qua vết muỗi chích, đi vào cơ thể qua đường máu nên không thể giải quyết bằng những cách trên.

Người bệnh SXH tuyệt đối không được thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi, cắt lễ, vì có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm nên rất nguy hiểm với người bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Int
Liệu chăng hết sốt, giảm sốt là hết bệnh?

Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh SXH với dấu hiệu đặc trưng là sốt đột ngột, sốt cao, liên tục và khó hạ. Do đó khi người bệnh hết sốt hoặc giảm sốt sẽ cho rằng đã hết bệnh. Tuy nhiên, các biến chứng nặng của SXH thường xảy ra ở giai đoạn hết sốt.

Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài; ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh. Những trường hợp này cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Có phải đã mắc SXH một lần thì không mắc lại nữa?

Nhiều người cho rằng, đã mắc bệnh SXH thì sẽ được miễn dịch suốt đời. Thực tế là vi-rút gây bệnh SXH có 4 týp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một týp vi-rút nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm suốt đời với týp đó, tuy nhiên vẫn có thể mắc những týp còn lại.

Có phải muỗi truyền bệnh SXH chỉ sinh sản ở nơi ao tù, nước thải?

Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ trứng ở những nơi nước sạch như vật chứa nước sinh hoạt hoặc nước mưa (lu, bình chứa, vật phế thải ngoài trời, …). Trứng muỗi phát triển thành lăng quăng trong môi trường nước sạch, khác với một số loài muỗi truyền bệnh khác như muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường đẻ trứng ở ruộng nước, muỗi truyền bệnh sốt rét đẻ trứng ở suối, rừng hoặc vùng ngập mặn.

Các khu chung cư lầu cao sẽ không có muỗi truyền bệnh SXH?

Muỗi vẫn có ở chung cư lầu cao vì muỗi có thể theo thang máy để đi lên và tại các lầu cũng vẫn có nơi chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển.

Chỉ cần phun hóa chất diệt muỗi ngoài nhà là đủ?

Muỗi truyền bệnh SXH còn được gọi là muỗi nhà, nên nơi sinh sản và trú ẩn của loài muỗi này thường là ở bên trong nhà. Đây là loài muỗi cực kỳ gần người nên bắt buộc phun hóa chất cả trong lẫn ngoài nhà.

Mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH:

Tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước; sử dụng thiên địch của lăng quăng; sử dụng hóa chất để diệt lăng quăng; không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước; loại bỏ vật chứa nước; thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước; thay đổi hình thức trữ nước.

Diệt muỗi và phòng tránh muỗi chích bằng cách thường xuyên ngủ mùng kể cả ban ngày; sử dụng lưới chắn muỗi hoặc rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ; sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, vợt điện, …; bôi hoặc xịt trên da sản phẩm chống muỗi chứa các hoạt chất được chứng nhận đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Phụ nữ Thủ đô

Xem thêm:

Nên đọc