Phương pháp dạy con của người khôn: Không quản 3 thứ, không nuông chiều 5 điều

Phunuduongthoi.vn – Trong mỗi một đứa trẻ đều tiềm tàng hình bóng của một nhân tài. Nhưng cách giáo dục của mỗi bậc cha mẹ sẽ tạo ra những cuộc đời khác nhau cho mỗi đứa trẻ.

Một sai lầm nghiêm trọng mà cha mẹ hay mắc phải khi dạy con chính là quản con không đúng lúc. Khi cần quản, cha mẹ không làm. Lúc cần buông, cha mẹ liền quay ra quản. Việc cha mẹ không biết được lúc nào nên hay không nên quản con chính là gốc rễ làm nảy sinh mọi vấn đề của con cái. Khi cần, cha mẹ thường quản không đủ nghiêm thành ra chiều hư con. Khi không cần, cha mẹ lại quản chặt từng li từng tí, làm cản trở cả sự trưởng thành của con.

Hãy thật nhẹ nhàng và mềm mỏng khi dạy con. Hãy đi theo cảm xúc và nhịp điệu của con. Nếu bạn đi sai đường, con sẽ hất tung bạn ra xa“.

Một nguyên tắc thông minh trong giáo dục con cái mà cha mẹ nên bỏ túi là “5 không chiều” và “3 không quản“. Chỉ cần nắm vững nguyên tắc này, cha mẹ sẽ giúp con cái không ngừng tiến bộ và lớn khôn.

Đừng chiều hư những đứa trẻ không biết nguyên tắc

Người sống không có nguyên tắc thì khó làm nên chuyện. Trẻ em tựa như dòng nước siết miệt mài chảy về phía trước. Điều cha mẹ cần làm chính là đắp một con đê kiên cố men theo dòng nước ấy. Con đê sẽ ngăn cho dòng nước trở nên hung dữ và điên cuồng mỗi khi đến mùa lũ. Con đê sẽ giúp cho dòng nước chảy xa hơn và đổ thẳng ra biển. Con đê đó chính là hiện thân của nguyên tắc.

Tục ngữ có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Vì vậy, cha mẹ cần phải lập ra các nguyên tắc cho trẻ ngay từ sớm. Đừng nghĩ trẻ còn bé mà nuông chiều. Vì sự chiều hư của cha mẹ sẽ dung túng ra một con người ngỗ ngược sau này.

Cha mẹ nên dạy cho trẻ những nguyên tắc xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Hãy nói cho con biết những điều con nên và không nên làm. Lúc bắt đầu, chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng khi khôn lớn, con sẽ hiểu được sự khổ tâm của cha mẹ.

Đừng chiều cho trẻ không làm việc nhà

Đừng nghĩ trẻ con có làm hay không làm việc nhà cũng chẳng sao. Một đứa trẻ đã lười biếng, không chịu làm việc khi còn nhỏ. Thử hỏi nó có thể trở thành một người chăm chỉ khi lớn lên được hay không?

Nếu như cha mẹ cứ mãi làm hộ con việc nhà, cha mẹ không chỉ làm hạ thấp chỉ số hạnh phúc của con, mà còn dung túng cho những thói hư tật xấu của trẻ. Đứa trẻ đó sẽ trở thành những cậu ấm cô chiêu yếu ớt. Sự bao bọc quá mức của cha mẹ đã hại một đời con.

Cha mẹ cần phải tập rèn cho con những thói quen tốt ngay từ khi con bé. Chia sẻ công việc nhà với cha mẹ chính là một trong những thói quen đó. Điều này vừa giúp tăng tính tự giác của trẻ nhỏ, cũng như hình thành đức tính chăm chỉ, yêu lao động trong con. Điều này cũng rất có ích cho quá trình học tập, làm việc và sinh sống của con sau này.

Đừng bỏ qua cho những lần con thất lễ với người lớn

Trẻ em được coi là những ông hoàng, bà hoàng trong nhà. Ông bà và bố mẹ đều bao bọc và cưng chiều một đứa trẻ con. Nhiều đứa trẻ bị chiều quá thành sinh hư. Chúng bắt đầu có hành vi cử chỉ và lời nói xấc xược với người lớn. Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải giáo dục và uốn nắn con nghiêm khắc. Tất nhiên chúng ta không bắt con phải học hết những lễ nghi rườm rà, phức tạp. Nhưng những lễ phép cơ bản thì con nhất định phải nắm được.

Kính già yêu trẻ vừa là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, vừa là một lễ nghi căn bản của con người. Một đứa trẻ không biết tôn trọng người lớn tuổi sẽ không hiểu được những lễ nghi ngoài xã hội. Những đứa trẻ như vậy rất dễ lầm đường lạc lối và bị người đời xa lánh.

Đừng chiều những đứa trẻ ích kỷ

Đối với con, cha mẹ chưa bao giờ tiếc bất cứ một điều gì hết. Khi ăn cơm, bố mẹ sẵn sàng nhường cho con những món ăn ngon nhất. Những đặc quyền ấy vô tình đã biến con thành một đứa trẻ ích kỷ. Con chỉ muốn độc chiếm những thứ hay, thứ đẹp về làm của riêng. Con luôn nghĩ bố mẹ và những người khác phải có nghĩa vụ nhường những thứ đó cho mình.

Dần dần, cha mẹ vì hi sinh quá nhiều mà đánh mất chính mình. Còn con thì cứ nghĩ đó là lẽ dĩ nhiên. Từ đó, con trở thành một đứa trẻ ích kỷ chỉ biết đòi hỏi, mà không biết quan tâm hay cảm ơn người khác. Thậm chí, trẻ có thể trở thành một người vô ơn và bất hiếu khi trưởng thành.

Cha mẹ không chỉ cho con tình yêu, mà còn phải dạy con biết cho đi yêu thương và có lòng biết ơn. Một đứa trẻ có lòng biết ơn sẽ biết cảm kích những việc mà người khác đã làm cho mình. Con sẽ biết trân trọng tất cả những gì đang có. Con trẻ sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ vì điều đó.

Đừng chiều những đứa trẻ hay khóc lóc ầm ĩ

Khi dạy con, cha mẹ cần phải giữ một quy tắc nhất định. Cha mẹ không nên vì thương con mà lúc nào cũng nhân nhượng cho con. Cha mẹ vẫn luôn đáp ứng những nhu cầu của con vô điều kiện, chỉ cần con gào khóc là cha mẹ vội vàng dỗ dành và tha thứ cho con. Lâu dần, hành vi này sẽ hình thành cho trẻ một lối suy nghĩ sai lầm. Trẻ sẽ nghĩ chỉ cần mình khóc thật to là cha mẹ sẽ cho mình thứ mình muốn.

Vì vậy, cha mẹ cần phải kiên quyết chối từ những yêu cầu bất hợp lý của con. Hơn nữa, chúng ta cần phải dạy cho con những nguyên tắc và giới hạn của người lớn. Sau nhiều lần như vậy, con trẻ tự sẽ hiểu khóc lóc ầm ĩ sẽ không giúp chúng giải quyết được vấn đề gì hết.

Đừng can thiệp vào chuyện con có thể làm

Nhà giáo dục Sukhomlynsky từng nói: “Hãy để con tự làm những chuyện cần làm trong khi trưởng thành. Hãy cho con một môi trường tự do để phát triển, để giúp con không ngừng lớn khôn”.

Cha mẹ cần phải tập cho con tính tự giác. Cha mẹ cần phải để con tự làm những chuyện trong khả năng của chúng, ngay cả khi con có thể đem đến nhiều phiền phức cho cha mẹ đi chăng nữa. Phải để con tự làm, bởi con chỉ có thể khôn lớn khi con tự làm được những việc đó.

Đừng can thiệp với những sự lựa chọn của riêng con

Khi về già, bạn ngồi hồi tưởng lại quá khứ. Bạn sẽ nhớ lại những thời khắc bạn quyết định du học, đi làm công việc đầu tiên, rồi chọn người yêu và đi đến kết hôn. Đó đều là những lựa chọn đã làm thay đổi cả cuộc đời bạn”.

Dù là người lớn hay trẻ con, ai cũng cần phải lựa chọn con đường cho mình. Cha mẹ cần phải cho con quyền được tự do lựa chọn. Lúc nhỏ, con đã biết tự quyết định xem mình sẽ mặc gì hay làm gì. Khi lớn lên, trong những thời khắc quyết định, con sẽ biết lắng nghe trái tim để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mình.

Đừng tọc mạch vào bí mật của con

Cha mẹ luôn muốn thấu hiểu con cái. Điều đó không có gì sai. Nhưng cha mẹ cũng nên để cho con có bí mật riêng tư của mình. Cách tốt nhất để cha mẹ hiểu con chính là giao tiếp trò chuyện chứ không phải là tọc mạch những bí mật của con.

Xét về khía cạnh giáo dục, độc lập là một trong những đặc tính cơ bản của người hiện đại. Việc có một bí mật và biết cách xử lý thỏa đáng bí mật đó chính là một trong những biểu hiện của độc lập. Ở đời, bí mật luôn đi liền với trách nhiệm. Người có bí mật là người phải tự mình chịu trách nhiệm cho việc đó. Vì thế, hãy cứ để cho con có bí mật và không gian riêng tư của mình.

Trong mỗi một đứa trẻ đều tiềm tàng hình bóng của một nhân tài. Nhưng cách giáo dục của mỗi bậc cha mẹ sẽ tạo ra những cuộc đời khác nhau cho mỗi đứa trẻ.

Những bậc làm cha làm mẹ mà nhìn xa trông rộng thì sẽ biết mềm nắn rắn buông. Khi cần quản, họ sẽ dạy con thật nghiêm để con biết con nên và không nên làm những gì. Khi cần buông, họ sẽ buông tay để con tự mình tung cánh, dũng cảm đương đầu với khó khăn. Đó mới là tình yêu thương tốt đẹp nhất mà cha mẹ dành cho con.

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị

Xem thêm:

Nên đọc